ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 23/01/2025 -05:15 AM

Một số điểm mới của Quy chế kiểm sát việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

 | 

Ngày 31/01/2024, VKSND tối cao ban hành Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính kèm theo Quyết định số 16/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 16) thay thế Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân kèm theo quyết định số 299/QĐ-VKSTC (gọi tắt là Quy chế 299).

Quy chế 16 gồm 5 Chương, 38 Điều, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn công tác. Qua nghiên cứu nội dung của Quy chế, có một số điểm mới, sửa đổi bổ sung đáng chú ý như sau:

1. Về những quy định chung

- Quy chế 16 bổ sung 01 điều quy định về phạm vi điều chỉnh là “hoạt động kiểm sát việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây viết tắt là biện pháp xử lý hành chính) và biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng”. Việc quy định về hoạt động kiểm sát việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng tại Quy chế 16 là phù hợp và thống nhất sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng: “Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục...” (Điều 140a. Giáo dục dựa vào cộng đồng).

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Điều 4 Quy chế 16 sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn sao chụp, nghiên cứu hồ sơ” thay cho “nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc và dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tại phiên họp”. Tại khoản 7, Quy chế bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng”. Đồng thời, Quy chế quy định các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh 03/2022, thay thế Pháp lệnh 09/2014.

- Quy chế 16 bổ sung quy định về việc có thể phân công Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên họp; trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên họp thì Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp (Quy chế 299 thì Viện trưởng có văn bản thông báo).

- Điều 6 Quy chế 16 bổ sung quy định văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm của Viện kiểm sát phải ghi thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời kiến nghị.

2. Về những quy định cụ thể

- Về kiểm sát thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Điều 7 Quy chế 16 bỏ nội dung kiểm sát “đối tượng Tòa án phải gửi thông báo thụ lý”“hình thức của Thông báo thụ lý theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015...”.

- Về kiểm sát Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Điều 10 Quy chế 16 sửa đổi quy định về việc kiểm sát thời hạn Thẩm phán ban hành quyết định tại khoản 4 Điều 15 Pháp lệnh 03/2022. Pháp lệnh 03/2022 quy định: “Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu bổ sung hoặc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà người được yêu cầu không bổ sung tài liệu, Thẩm phán ra quyết định mở phiếu họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Đồng thời, Quy chế 16 bỏ quy định kiểm sát nội dung: “Hình thức của quyết định theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015” “đối tượng Tòa án phải gửi quyết định”.

- Điều 12 Quy chế 16 về nghiên cứu hồ sơ vụ việc bỏ nội dung nghiên cứu là “các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính”; sửa đổi nội dung cần nghiên cứu là “đối tượng bị áp dụng biện pháp...” thay cho“đối tượng áp dụng biện pháp...” tại Quy chế 299.

- Điều 13 Quy chế 16 về báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ quy định bổ sung khi công chức báo cáo phải có“nội dung vụ việc, quá trình giải quyết của Tòa án”; bỏ quy định “công chức nghiên cứu hồ sơ phải ký nháy vào cuối mỗi trang và ký, ghi rõ họ tên vào cuối báo cáo”.

- Điều 14 Quy chế 16 về kiểm sát phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã bổ sung quy định kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp đối với “Phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Pháp lệnh số 03/2022” và bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Kiểm sát viên:“Tại phiên họp, Kiểm sát viên ghi chép đầy đủ nội dung diễn biến phiên tòa và lưu hồ sơ kiểm sát. Kiểm sát viên hỏi những vấn đề còn chưa rõ để làm sáng tỏ nội dung vụ việc sau khi Thẩm phán kết thúc việc hỏi”.

         - Điều 15 Quy chế 16 về phát biểu của Kiểm sát viên bổ sung quy định Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, đồng thời quy định rõ: “Trường hợp Viện kiểm sát đề xuất áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì phải nêu quan điểm về thời hạn áp dụng”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 15 Quy chế 16 bỏ quy định về việc gửi văn bản phát biểu của Kiểm sát viên cho Tòa án sau khi kết thúc phiên họp.

- Điều 18 Quy chế 16 về kiểm sát quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bỏ nội dung kiểm sát “Đối tượng Tòa án phải gửi quyết định ghi tại phần “Nơi nhận” của Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015”“hình thức của quyết định theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015”; bổ sung nội dung kiểm sát “Thời hạn Tòa án gửi quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh 03/2022”. Ngoài ra, khoản 3 Điều này bổ sung thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, theo đó, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình ban hành kiến nghị, kháng nghị.

- Điều 19 Quy chế 16 về kiểm sát quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bỏ nội dung kiểm sát “hậu quả của việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”; “đối tượng Tòa án phải gửi quyết định ghi tại phần “Nơi nhận” của Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015” và “hình thức của quyết định”; đồng thời bổ sung một trong những nội dung kiểm sát là: “Thời hạn Tòa án gửi quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh 03/2022”.

- Điều 20 Quy chế 16 về kiểm sát quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính bổ sung nội dung kiểm sát “Căn cứ áp dụng, không áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 92, Điều 94, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 32 Luật Phòng chống ma túy”; bỏ nội dung kiểm sát đối tượng Tòa án phải gửi quyết định và hình thức quyết định.

- Quy chế 16 bổ sung quy định về việc kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Theo đó, Điều 21 quy định khi kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau: “a) Căn cứ áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng theo quy định tại Điều 140a Luật Xử lý vi phạm hành chính; b) Nội dung và hiệu lực của quyết định theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Pháp lệnh số 03/2022; c) Thời hạn Tòa án gửi quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh số 03/2022. 2. Trường hợp phát hiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình ban hành kiến nghị, kháng nghị”.

- Điều 22 Quy chế 16 quy định căn cứ để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kháng nghị đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định áp dụng, quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng của Tòa án nhân dân cùng cấp là “khi có căn cứ cho rằng các quyết định đó là trái pháp luật”, thay cho căn cứ “khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng” tại Quy chế 299.

Khoản 2 Điều 22 Quy chế 16 đã sửa đổi thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định hoặc kể từ ngày nhận được quyết định trong trường hợp tòa án ra quyết định mà không mở phiên họp. Như vậy, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định mới dài hơn so với 03 ngày tại Quy chế 299. Đồng thời, Quy chế 16 quy định bổ sung đối tượng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải gửi quyết định kháng nghị gồm những người có liên quan sau khi ban hành.

Trên đây là một số điểm mới, được sửa đổi bổ sung của Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính ban kèm theo Quyết định số 16/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao./.

Trương Thị Phương Thảo- Viện KSND huyện Hiệp Hoà

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,253,081
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.85.80

    Thư viện ảnh