Ngày 26/12/2022, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Quy chế số 11-QC/TU quy định trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động tiếp dân, đối thoại với dân và tiếp nhận, xử lý, giải quyết những phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Quy chế đã quy định rõ nguyên tắc, thời gian, địa điểm, nội quy tiếp dân, thành phần tham gia tiếp dân, trình tự tiếp dân; nguyên tắc tiếp nhận và xử lý, giải quyết phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp dân, đối thoại với dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết những phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Trong đó, cần lưu ý những nội dung sau:
1. Nguyên tắc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân:
- Chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế tiếp dân do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi, thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
- Nghiêm cấm việc lợi dụng phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không đúng, không có căn cứ nhằm mục đích vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân.
- Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo yêu cầu của cơ quan chủ trì. Việc cung cấp, trao đổi thông tin phải kịp thời, đúng thời gian, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác tiếp dân. Những thông tin "Mật" phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
2. Việc tiếp dân định kỳ, đột xuất và đối thoại trực tiếp với dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân định kỳ mỗi tháng 01 ngày vào ngày 15 hằng tháng cùng với lịch tiếp dân của Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh (nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì việc tiếp dân được chuyển sang ngày làm việc liền kề tiếp theo). Trong một số trường hợp vì lý do công việc hoặc lý do khác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không thể tiếp dân theo lịch và địa điểm như quy định trên thì chuyển sang ngày khác, địa điểm khác phù hợp và phải thông báo cho công dân biết trước ngày 12 của tháng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân đột xuất, đối thoại trực tiếp với dân trong các trường hợp: Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến trả lời của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Tố cáo của người dân về hành vi tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Các trường hợp khác do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quyết định. Thời gian, địa điểm tiếp dân đột xuất, đối thoại trực tiếp với dân do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
- Thành phần tham dự cuộc tiếp dân định kỳ gồm đại diện lãnh đạo: UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Trưởng Ban Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
- Thành phần tham dự cuộc tiếp dân đột xuất, đối thoại với dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gồm đại diện lãnh đạo: UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh và Trưởng Ban Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Ngoài ra, tùy từng nội dung vụ việc cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khác tham dự hoặc tổ chức tiếp riêng và mời thành phần phù hợp.
3. Tiếp nhận và xử lý, giải quyết phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân
Trên cơ sở nội dung kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của dân; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy xem xét và xử lý theo nguyên tắc: Đối với phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bí thư Tỉnh ủy thì tiếp nhận và giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu xử lý, giải quyết và thông báo kết quả cho người phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đối với phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các cấp khác nhau thì giao Ban Nội chính Tỉnh ủy có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc và thông báo kết quả cho người phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đồng thời báo cáo về Ban Nội chính Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải có văn bản chỉ đạo, phân công cơ quan, bộ phận tham mưu giải quyết, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy hoặc Ban Nội chính Tỉnh ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Nếu phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đơn do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến.
4. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan:
- Thực hiện nghiêm việc tiếp dân, xử lý phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo chức năng, nhiệm vụ và pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, Quy chế số 11-QC/TU ngày 26/12/2022 và các quy định khác có liên quan.
- Báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tham mưu. Việc báo cáo, cung cấp thông tin phải kịp thời, chính xác, đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân, bảo đảm chế độ thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Cử đúng thành phần khi tham gia tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy theo yêu cầu.
- Tham mưu với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý các phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tổ chức thực hiện thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm và thông báo kết quả giải quyết cho công dân.
- Xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đơn; báo cáo kết quả giải quyết với Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và trả lời công dân theo quy định.
Trên đây là một số điểm cần lưu ý của Quy chế số 11-QC/TU ngày 26/12/2022 của Tỉnh ủy Bắc Giang về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đơn vị trong Ngành cần nghiên cứu để thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; báo cáo, cung cấp thông tin liên quan theo chức năng, nhiệm vụ khi nhận được yêu cầu./.
Nguyễn Thùy Trang, Thanh tra- Khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Giang