ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 21/12/2024 -20:18 PM

Một số điểm mới của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 | 

Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay, không chỉ trong các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại mà còn trong các vụ án hình sự. Trước đây, căn cứ theo Chương XXI Bộ luật dân sự 2005 quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 để hướng dẫn áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Sau khi Bộ luật dân sự 2015 ra đời, thay đổi một số nội dung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nên Hội đồng thẩm phánTòa án nhân dânTối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Sau đây là một số điểm mới của Nghị quyết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Về thiệt hại thực tế, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005, BLDS 2015 và Nghị quyết 03 đều không hướng dẫn giải thích thế nào là thiệt hại thực tế và cơ sở để xác định thiệt hại thực tế dựa trên nguồn nào. Dẫn đến việc đánh giá chứng cứ, giải quyết vụ án không được thống nhất. Do đó, tại điểm b khoản 1 Nghị quyết 02 đã giải thích cụ thể:

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tn thất đó”

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Nghị quyết số 02 mới đã bổ sung các hướng dẫn về các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để phù hợp với quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự 2015.

Trong đó có quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự, so với Nghị quyết số 03 cũ thì Nghị quyết số 02 đã đưa nội dung này vào nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 là người yêu cầu bồi thường phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh và bổ sung thêm nội dung “Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Về thời hiệu khởi kiện, theo Nghị quyết 03, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm đối với các trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh kể từ ngày 01/01/2005; còn đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01/01/2005, thì thời hiệu là 02 năm kể từ ngày 01/01/2005. Nghị quyết số 02 đã bổ sung thêm thời hiệu khởi kiện và thay đổi mốc thời điểm tính thời hiệu khởi kiện cho phù hợp với quy định mới của BLDS 2015. Theo đó, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) và đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Về việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03 cũ thì việc xác định thiệt hại như sau “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có)”.

Nghị quyết số 02 mới đã quy định và làm rõ hơn từng nội dung so với quy định tại Nghị quyết số 03 và bổ sung thêm quy định mới về cách xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 thành những chi phí cụ thể như sau:

- Bổ sung thêm chi phí cho việc thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại trở về nơi ở, ngoài chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh.

- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được quy định cụ thể hơn và được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án. Đây là một quy định mới, theo đó người bị thiệt hại về sức khỏe khám, chữa bệnh tại cơ sở nào, thuộc vùng nào sẽ được tính là chi phí bồi dưỡng sức khỏe tương ứng 01 ngày lương tối thiểu vùng của vùng đó nhân với ngày khám chữa bệnh theo bệnh án.

- Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Quy định này đã khái quát hơn so với quy định cũ.

Về xác định bồi thường tổn thất về tinh thần, Nghị quyết số 03 cũ hướng dẫn “Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Tại Nghị quyết số 02 mới, tuy không nêu cụ thể chi phí về việc bồi thường tổn thất về tinh thần, nhưng theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định “… nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Về xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, Nghị quyết số 02 mới quy định khác so hoàn toàn so với Nghị quyết số 03 cũ và đã quy định cụ thể, chi tiết hơn các trường hợp xảy ra liên quan đến thu nhập của người bị thiệt hại để tính chi phí xác định thu nhập thực tế bị mất. Cụ thể:

Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra (theo quy định cũ tại Nghị quyết số 03 là 06 tháng). Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.

Đối với trường hợp “Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS”, Nghị quyết số 02 mới đã loại bỏ quy định này và thay thế bằng việc xác định thu nhập bị mất theo mức lương tối thiểu vùng cho những ngày bị thiệt hại.

Về xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Nghị quyết số 02 mới quy định về cách xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm là thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết”. Theo đó “thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe”. Hướng dẫn theo Nghị quyết số 03 cũ thì thời điểm cấp dưỡng được xác định từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, do BLDS 2015 cũng bổ sung một số quy định mới so với BLDS 2005, nên Nghị quyết số 02 đã bổ sung thêm một số quy định hoàn toàn mới so với Nghị quyết số 03 để hướng dẫn áp dụng BLDS 2015, cụ thể:

- Về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra quy định tại Điều 598 của Bộ luật Dân sự:Thiệthại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thì Tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Về bồi thường thiệt hại do người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự: Trường hợp người gây thiệt hại là người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý, việc gây thiệt hại ở trong khuôn viên trường học không phụ thuộc vào việc đã hay chưa vào giờ học, thời khóa biểu của người đó thì trường học phải bồi thường thiệt hại; Trường hợp người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viên, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viên, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại. 

Trên đây là một số điểm mới của Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng so với Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 để hướng dẫn áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để các đơn vị tham khảo, nghiên cứu cùng thực hiện thống nhất./.

Phạm Thành Quý- Phòng 7, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,786,256
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.188.40

    Thư viện ảnh