.

Thứ ba, 16/04/2024 -14:29 PM

Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

 | 

Ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương và 36 điều, quy định cụ thể, rõ ràng về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, ngoài những từ ngữ thông dụng như rượu, bia, tác hại của rượu bia, nghiện rượu, bia thì Luật còn giải thích cụ thể một số thuật ngữ chuyên môn như “Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính” “Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20°C”. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ định nghĩa về sản xuất rượu thủ công và sản xuất rượu công nghiệp. Từ đó, mọi người có thể dễ dàng hiểu, tiếp cận và thực hiện theo quy định của Luật.

Điểm nổi bật của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đã quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia và địa điểm không được uống rượu, bia như sau:

* Về các hành vi bị nghiêm cấm ( Điều 5): Luật quy định 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

- Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

* Các địa điểm không được uống rượu bia (Điều 10), đó là:  Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia và các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn quy định biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; sửa đổi một số quy định liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông; … Đặc biệt, Luật quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở, được áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông.

Ngoài ra, để hạn chế tác hại của rượu, bia, Luật còn quy định theo hướng siết chặt hơn việc quảng cáo, cung cấp rượu, bia và quy định rõ trách nhiệm tuyên truyền tác hại của rượu, bia không chỉ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn của tổ chức và từng cá nhân trong xã hội.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, tuy mới được áp dụng trong thực tiễn chưa lâu nhưng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số người dân cả nước, phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả./.

Trần Thị Thu Hương- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,662,259
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.228.88

    Thư viện ảnh