ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 03/10/2024 -23:51 PM

Biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu trong thi hành án dân sự

 | 

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu hay còn gọi là Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết. Theo Nghị quyết 42, hàng loạt các cơ chế sẽ được áp dụng cho ngân hàng, tổ chức tín dụng bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng  thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; cho phép tổ chức,  cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm....   

Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội trong công tác thi hành án dân sự, khi tổ chức thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết như việc xử lý án phí, thuế thu nhập cá nhân và tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải thi hành án vì theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc này gửi Tổng cục thi hành án dân sự để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và đề xuất biện pháp tháo gỡ. Tại thông báo số 106/TB - VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại cuộc họp nghe báo cáo các khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực tại thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ; Tổng cục thi hành án đã thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản số 2004/TCTHADS - NV1 ngày 03/7/2019 yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với vướng mắc về án phí: Xác định án phí là khoản thu cho Ngân sách nhà nước thuộc diện cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động đưa ra thi hành. Đây là khoản chi phí phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp của chính các đương sự tại cơ quan tố tụng mà các tổ chức tín dụng là nguyên đơn khởi kiện, là một phần chi phí xử lý tài sản theo quy định của pháp luật tố tụng và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án. Vì vậy, trên cơ sở quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về chi phí xử lý tài sản bảo và thứ tự thanh toán án phí tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự, kể từ ngày nhận được văn bản này các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng theo đúng quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự.

2. Đối với vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân: Về nội dung này, tại thông báo kết luận số 106/TB - VPCP nêu trên giao "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt các tổ chức tín dụng thoả thuận với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế, phí theo quy định trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm". Do đó, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản trong việc thực hiện khi có văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thoả thuận cách thức giải quyết các khoản thuế, phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án cho các tổ chức tín dụng.

3. Đối với vướng mắc về tiền hỗ trợ thuê nhà theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật thi hành án dân sự: Các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản để xem xét và quyết định việc hỗ trợ tiền thuê nhà trong 01 năm cho người phải thi hành án trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất theo quy định của Luật thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án cho các tổ chức tín dụng.

Tôi xin nêu biện pháp tháo gỡ những nội dung khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu trong thi hành án dân sự để các đồng nghiệp vận dụng trong thực tiễn; đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và các trường hợp thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng./.

Nguyễn Thị Thủy- Phòng 11

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,533,462
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.237.15.145

    Thư viện ảnh