.

Thứ sáu, 19/04/2024 -03:38 AM

Một số lưu ý về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội

 | 

Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là phạm tội. Đây là chủ thể của tội phạm nhưng cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt. Sau đây là một số lưu ý khi xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Thứ nhất,về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội:

1. Giáo dục là chính;

2. Có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên nếu:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng (trừĐiều 134; Điều 141; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252; Khi phạm phải các tội này thì người từ đủ 16 đến dưới 18 không được miễn trách nhiệm hình sự mặc dù thỏa mãn một số điều kiện).

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS 2015 (trừ Điều 123; các khoản 4, 5 và khoản 6 Điều 134; Điều 141; Điều 142; Điều 150; Điều 151; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252. Khi phạm phải các tội này thì người từ đủ 14 đến dưới 16 không được miễn trách nhiệm hình sự mặc dù thỏa mãn một số điều kiện).

Bên cạnh đó còn phải thỏa mãn thêm các điều kiện như: Có nhiều tình tiết giảm nhẹ; Tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả;

Tuy được miễn trách nhiệm hình sự nhưng người chưa thành niên phạm tội phải bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục bao gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Người phạm tội chưa thành niên có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

- Bản chất: cần phải có 1 kỷ luật chặt chẽ, cần phải cách ly người phạm tội khỏi môi trường, xã hội để giáo dục, cải tạo họ.

- Điều kiện áp dụng: xem xét tính chất nghiêm trọng của việc phạm tội, nhân thân người phạm tội, môi trường sống của người phạm tội.

- Thời hạn: 1 đến 2 năm.

- Yêu cầu: Người chưa thành niên phải thực hiện một số nhiệm vụ như: nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

4. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các “biện pháp Giám sát, giáo dục” (Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc việc áp dụng “biện pháp Giáo dục tại trường giáo dưỡng” giáo dục, phòng ngừa không hiệu quả.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

6. Hạn chế áp dụng hình phạt tù:Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

7. Cho hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng:Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

8. Không áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

9. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

10. Án đã tuyên với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi không được tính là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Thứ hai,các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên:

1. Cảnh cáo:

- Tính chất: là loại giáo dục sâu sắc, gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần.

- Điều kiện áp dụng: Phạm tội thuộc loại ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 Bộ luật hình sự.

2. Phạt tiền:

- Điều kiện áp dụng: Người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

- Căn cứ vào tình chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài chính của người chưa thành niên, sự biến động của giá cả.

- Mức phạt: không quá ½ mức phạt Bộ luật hình sự quy định.

3. Cải tạo không giam giữ:

- Điều kiện áp dụng: Người chưa thành niên có độ tuôi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14-dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.

- Không bị khấu trừ thu nhập (nếu có)

- Thời hạn: không quá ½ thời hạn mà điều luật quy định.

4. Tù có thời hạn:

- Điều kiện áp dụng: phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không đủ điều kiện áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn.

- Hình phạt áp dụng với người từ đủ 16 - dưới 18 tuổi:

+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 18 năm tù.

+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ¾ mức phạt.

- Hình phạt áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:

+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 12 năm.

+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ½ số năm phạt tù.

Thứ ba,xóa án tích:

- Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

+ Người bị áp dụng biện pháp tư pháp

- Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Trên đây là một số lưu ý cần biết về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội quy định tại Bộ Luật hình sự 2015./.

Vi Đăng Khoa- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,691,594
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.243.160

    Thư viện ảnh