ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -11:46 AM

Một số điểm mới của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo

 | 

Ngày 15/5/2018, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hànhNghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018, thay thế cho Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP.

Để phù hợp với Điều 65 BLHS, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định một số điểm mới so với Nghị quyết số 01 như sau:

Thứ nhất, về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02:

-Đối với điều kiện “Bị xử phạt tù không quá 03 năm”: Nghị quyết 02 loại bỏ quy định “tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự” so với Nghị quyết 01.

- Đối với điều kiện “Có nhân thân tốt”: Nghị quyết 02 quy định: “Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo”.Như vậy so với nghị quyết 01, nội dung này có những thay đổi căn bản sau:

+ Đối với người đã bị kết án thì không còn quy định khoảng thời gian từ khi được xóa án tích đến khi phạm tội lần này là điều kiện để cho hưởng án treo nữa (bỏ việc ấn định thời gian tại các điểm b1, b2, b3, b4 Nghị quyết 01).

+ Đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật thì Nghị quyết 02 ấn định thời gian từ thời điểm được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng có thể cho hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện khác. Nghị quyết 02 bỏ quy định về thời hạn đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật từ 02 lần trở lên (18 tháng), đối với hành vi có cùng tính chất với lần phạm tội này (01 năm).

+ Nghị quyết 02 bỏ quy định về điều kiện đối với người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 3 Luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Nghị quyết 02 bổ sung một số thuật ngữ như: “trường hợp được coi là không có án tích” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS và Điều 107 BLHS; “người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS và điểm c khoản 2 Điều 91 BLHS.

- Đối với điều kiện về các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tuy Nghị quyết 02 có sự thay đổi cách diễn đạt nhưng nội dung không có sự thay đổi so với Nghị quyết 01.

- Đối với điều kiện “Có nơi cư trú rõ ràng”: Nghị quyết 02 bổ sung thêm điều kiện “nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục” và quy định rõ khái niệm của hai điều kiện này như sau:

+ Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

+ Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 Thứ hai, về những trường hợp không cho hưởng án treo (Điều 3 Nghị quyết 02):

- “Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã”. Như vậy, phạm vi của trường hợp không cho hưởng án treo khi người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn được mở rộng hơn so với Nghị quyết 01 “Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã”.

- Bổ sung trường hợp “Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.

- Đối với trường hợp người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, Nghị quyết 02 bổ sung trường hợp loại trừ “trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi”.

- Đối với trường hợp người phạm tội nhiều lần, Nghị quyết 02 bổ sung trường hợp loại trừ “trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi”.

- Bổ sung trường hợp “Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.

Thứ ba, Nghị quyết 02 bỏ các lưu ý khi cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo.

Thứ tư, về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách (Điều 5 Nghị quyết 02), bổ sung thêm 3 trường hợp:

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Thứ năm, bổ sung quy định về nội dung của bản án tuyên người bị kết án phạt tù được hưởng án treo tại Điều 6 Nghị quyết 02.

Theo đó, Nghị quyết 02 quy định bản án cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải có:

- Nội dung về việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Nội dung về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời hạn thử thách.

Thứ sáu, bổ sung quy định về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 02.

Đây là quy định hoàn mới của Nghị quyết 02 về điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách của án treo; số lần, thời gian được rút ngắn thời gian thử thách; các trường hợp đặc biệt được rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Thứ bảy, bổ sung thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách quy định tại Điều 9 Nghị quyết 02.

Đi kèm với quy định về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Nghị quyết 02 cũng đồng thời quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Thứ tám, bổ sung quy định trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ tại Điều 10 Nghị quyết 02.

Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.

Thứ chín, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo tại Điều 11 Nghị quyết 02.

Đây cũng là một quy định hoàn toàn mới của Nghị quyết 02, nhằm phù hợp với quy định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù.

Trên đây là một số điểm mới được quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo có hiệu lực thi hành từ 01/7/2018./.

Nguyễn Minh Nguyệt- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,134,252
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.140.96

    Thư viện ảnh