ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -13:22 PM

Quyền bào chữa của người bị buộc tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Quyền bào chữa của người bị buộc tội là vấn đề luôn được quan tâm. Để đảm bảo quyền con người và quyền bào chữa của người bị buộc tội, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm cho các quyền này được thực hiện.

Nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới về quyền bào chữa của người bị buộc tội. Bao gồm:

1. Ngoài ba chủ thể được bảo đảm quyền bào chữa (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) thì BLTTHS 2015 còn bổ sung người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa (Điều 58).

2. BLTTHS 2015 mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách thay vì chỉ có luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân (Điều 72).

3. Mở rộng trường hợp cơ quan tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà Bộ luật hình sự  quy định hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù, thay vì mức cao nhất là tử hình.

4. Quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn (kể từ khi có người bị bắt) thay vì tham gia từ khi có quyết định tạm giữ (Điều 74). Đồng thời, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, luật sư có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (Điều 83).

5. Nhằm tạo điều kiện để người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án, Điều 78 - BLTTHS 2015 quy định thay thủ tục “cấp giấy chứng nhận người bào chữa” bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”; đồng thời rút ngắn thời gian đăng ký bào chữa từ 03 ngày xuống còn 24 giờ.

6. Thay vì chỉ có người bị buộc tội và người đại diện hợp pháp của họ có quyền mời người bào chữa, BLTTHS 2015 bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa (Điều 75). Để tháo gỡ những khúc mắc liên quan đến việc bào chữa cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, BLTTHS 2015 quy định bổ sung: “Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối” (khoản 2 Điều 77.

7. BLTTHS 2015 quy định bổ sung cho người bào chữa quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật; đồng thời quy định người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (Điều 73).

8. Điều 79 - BLTTHS 2015 bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa về thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để người bào chữa tham gia theo quy định.

9. BLTTHS 2015 đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 73).

Như vậy, BLTTHS 2015 đã có nhiều bổ sung, quy định mới về quyền bào chữa của người bị buộc tội.Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật để đảm bảo về quyền bào chữa của người bị buộc tội ./.

Nguyễn Thị Huệ-VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,796,822
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.220.13.15

    Thư viện ảnh