BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TỈNH ỦY BẮC GIANG PHÁT ĐỘNG CUỘC THI TRỰC TUYẾN "TÌM HIỂU QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LUẬT SƯ VÀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG" (TỪ NGÀY 01/8/2024 ĐẾN 31/8/2024). 

Thứ bảy, 24/08/2024 -16:31 PM

Tìm hiểu điểm mới về Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

 | 

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có những quy định theo hướng mở rộng thêm nhiều trường hợp Viện kiểm sát có trách nhiệm khởi tố vụ án. Cụ thể như sau:

Có 4 trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án được quy định tại khoản 3 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Cơ quan điều tra không có quyền ra quyết định khởi tố vụ án đối với những trưòng hợp này:

+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

+ Theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

Như vậy so với quy định tại BLTTHS 2003, đã có thêm 2 trưòng hợp VKS có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án đó là khi VKS trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố và khi VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm. Đối với trường hợp VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì đương nhiên VKS cần phải có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố hoặc quyết định khởi tố vụ án hình sự cũng như có thẩm quyền trực tiếp tiến hành các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ theo luật định. Đối với trường hợp VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cần lưu ý 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, ở giai đoạn tố tụng nào được xác định là trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và khởi tố vụ án là trách nhiệm của Viện kiểm sát, theo tôi cần chia làm các giai đoạn dưới đây:

+ Giai đoạn tiền tố tụng: Thông qua các công tác kiểm sát khác, Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, VKS có trách nhiệm khởi tố vụ án hay chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án sẽ là vấn đề vướng mắc bởi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

+ Giai đoạn kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố: Thông qua hoạt động kiểm sát trực tiếp hoặc hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ việc cụ thể, VKS đã trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, VKS có trách nhiệm khởi tố vụ án hay yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án cũng sẽ là vấn đề vướng mắc bởi điều 159 BLTTHS 2015 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

+ Giai đoạn kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự: Điểm d khoản 1 Điều 161 BLTTHS 2015 quy định VKS khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án trong các trường hợp do Bộ luật này quy định. Như vậy có thể hiểu là trong giai đoạn kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự nếu VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì VKS có trách nhiệm khởi tố vụ án.

+ Giai  đoạn kiểm sát điều tra vụ án hình sự: Khoản 3 điều 165 BLTTHS 2015 quy định VKS khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án trong các trường hợp do Bộ luật này quy định. Quy định này cũng giống như giai đoạn kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự nêu trên. Tuy nhiên trong giai đoạn này, tại khoản 8 Điều 165 BLTTHS 2015 còn quy định VKS khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm.

+ Giai đoạn truy tố: Khoản 4 Điều 236 BLTTHS 2015 quy định VKS khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra. Như vậy, trước đây theo quy định của BLTTHS 2003 trường hợp này VKS sẽ trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án còn nay theo quy định mới đã có sự khác biệt đó là VKS có trách nhiệm khởi tố vụ án sau đó mới xem xét trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

+ Giai đoạn chuẩn bị xét xử: Nếu VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì VKS căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 280 BLTTHS 2015 để ban hành văn bản yêu cầu Toà án trả hồ sơ, sau đó mới xem xét quyết định khởi tố vụ án rồi trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra như trong giai đoạn truy tố.

+ Giai đoạn xét xử vụ án tại phiên toà: Nếu VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì VKS căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 326 BLTTHS 2015 đề nghị Hội đồng xét xử xem xét quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu VKS khởi tố vụ án.

Trong các giai đoạn nêu trên nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thì VKS chuyển cho Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Thứ hai, Trong giai chuẩn bị  xét xử, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phát hiện dấu hiệu tội phạm và căn cứ điểm b hoặc điểm c khoản 1 điều 280 BLTTHS 2015 để trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung thì trong trường hợp này luật quy định VKS không có thẩm quyền khởi tố vụ án mà phải trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Đặng Bá Hưng- VKSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,059,958
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.43.223

    Thư viện ảnh