ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -00:05 AM

Quyền yêu cầu bồi thường và thời hiệu bồi thường theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017

 | 

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 có nhiều quy định sửa đổi bổ sung về quyền yêu cầu bồi thường và thời hiệu bồi thường.

* Về quyền yêu cầu bồi thường

Tại Điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định những người sau có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Như vậy, so với Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 chỉ quy định người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thì Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 đã mở rộng các đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường bao gồm: người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật; Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Quy định này hoàn toàn phù hợp và đã khắc phục được những hạn chế của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009.

* Về thời hiệu bồi thường.

- Thứ nhất, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường được từ 2 năm (Khoản 1 Điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009) lên 3 năm(khoản 1 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017).

- Thứ hai, tại khoản 2 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định cụ thể thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

- Thứ ba, bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017), cụ thể:

+ Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

+ Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

Đồng thời Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 cũng quy định người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời hạn không tính vào thời hiệu (khoản 4 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017).

Những sửa đổi bổ sung trên đã góp phần bảo vệ quyền lợi của công dân khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án./.

Nguyễn Thị Huệ- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,788,509
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.103.241

    Thư viện ảnh