Thu giữ thư tín, điện tín bưu kiện, bưu phẩm là một trong những hoạt động điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm, các hoạt động này đã được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015.
* Về căn cứ để khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm:
Tại khoản 2 Điều 192 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử”.
Như vậy, khắc phục việc quy định chung chung “Khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm” (khoản 2 Điều 140 BLTTHS năm 2003), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết hơn về căn cứ để khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm đó là: khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án. Việc quy định như vậy là cần thiết vừa đảm bảo quyền tự do cá nhân cho người dân tránh việc lạm dụng việc khám xét đồng thời cũng tạo thuận lợi cho Cơ quan tiến hành tố tụng thực thi nhiệm vụ để giải quyết vụ án.
* Về thẩm quyền và thủ tục thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông:
Tại Điều 197 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
3. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.”
Như vậy, so với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã có nhiều điểm mới, cụ thể:
+ BLTTHS năm 2015 đã mở rộng việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm được thực hiện tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông. Như vậy, việc thu giữ thư tín, điện tín,bưu kiện, bưu phẩmkhông chỉ được thực hiện tại bưu điện như quy định tại điều 144 BLTTHS năm 2003 mà còn được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông. Quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay khi tội phạm thường xuyên sử dụng việc nhắn tin, gọi điện qua điện thoại hoặc qua mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội.
+ BLTTHS năm 2003 quy định trong trường hợp không thể trì hoãnphải thu giữ thư tín, điện tín, bưu phẩm thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết mà không phải kèm theo các tài liệu đề nghị phê chuẩn thì BLTTHS năm 2015 đã quy định dù trong trường hợp không thể trì hoãnphải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩmthì sau khi thu giữ xong Cơ quan điều tra vẫn phải thông báo ngay choViện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xétphê chuẩn.
+ BLTTHS năm 2015 còn bổ sung quy định về thời hạn Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩnLệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩmcủa Cơ quan điều tra là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan. Đồng thời quy định nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
* Về trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩmbị thu giữ:
Tại Điều 199 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn.
2.Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự”
Quy định nàyvề cơ bản kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003 (Điều 147).
Như vậy, những quy định của BLTTHS năm 2015 về việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, công cụ, phương tiện phạm tội có trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm. Các quy định này vừa kế thừa các quy định của BLTTHS năm 2003 đồng thời cũng bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội cũng như thủ đoạn, phương thức thực hiện hành vi phạm tội thực tế đang diễn ra trong những năm gần đây./.
Nguyễn Thị Huệ- VKSND huyện Tân Yên