ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 31/12/2024 -00:35 AM

Một số vấn đề về vật chứng, niêm phong và mở niêm phong vật chứng

 | 

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ của tố tụng hình sự; sau đây là tổng hợp một số nội dung liên quan đến vật chứng mà Kiểm sát viên cần lưu ý.

- Về khái niệm: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm; vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án (Điều 89 BLTTHS 2015);

- Về bảo quản vật chứng: Điều 90 BLTTHS 2015 quy định vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không làm mất mát, hư hỏng; vật chứng cần niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập; việc niêm phong, mở niêm phong phải được lập biên bản đưa vào hồ sơ;

- Về niêm phong vật chứng: Ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng (Nghị định 127). Theo đó:

+ Nghị định 127 quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng;

+ Về nguyên tắc mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp: Là động vật, thực vật sống; tài liệu được đưa vào hồ sơ; thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản hoặc các vật chứng khác xét thấy không cần thiết phải niêm phong. Khi đã niêm phong thì việc mở niêm phong cũng phải tuân thủ đúng quy định;

+ Người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng là người được cơ quan, người có thẩm quyền giao tiến hành tố tụng hình sự, thi hành án;

+ Trước khi niêm phong phải kiểm tra vật chứng cần niêm phong để mô tả cụ thể, đầy đủ, chính xác thực trạng của vật chứng vào biên bản niêm phong; khi mở niêm phong vật chứng phải kiểm tra và xác nhận tình trạng niêm phong vào  biên bản mở niêm phong

+ Những người có mặt tham gia niêm phong gồm: Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền cấp xã nơi thực hiện niêm phong vật chứng; người liên quan; người bào chữa (nếu có) và đại diện cơ quqan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong;

+ Những người có mặt tham gia mở niêm phong gồm những người nêu trên và đại diện cơ quan quản lý vật chứng trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên  môn;

+ Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng cần niêm phong (hoặc khi mở niêm phong) là bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì khi niêm phong (hoặc mở niêm phong thì người chủ trì cần mời người thân thích của họ hoặc người bào chữa (nếu có) hoặc đại diện chính quyền cấp xã nơi tổ chức niêm phong (hoặc mở niêm phong) vật chứng chứng kiến (Lưu ý: Trưởng Công an cấp xã không phải là đại diện chính quyền địa phương);

+ Trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liến quan đến vật chứng được niệm phong hoặc người thân thích, đại diện hợp pháp của họ, người bào chữa không có mặt hoặc không đến không có lý do chính đáng thì phải lập biên bản ghi rõ lý do và yêu cầu những người tham gia mở niêm phong ký xác nhận;

+ Những người tham gia niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải ký, ghi rõ họ tên cả vào biên bản niêm phong và giấy niêm phong vật chứng;

+ Một vật chứng có thể thực hiện niêm phong, mở niêm phong một lần hoặc nhiều lần, khi kết thúc sử dụng vật chứng phải niêm phong lại. Thành phần thực hiện niêm phong lại gồm những người tổ chức, người tham gia niêm phong; người đại diện cơ quan được giao quản lý vật chứng; người chứng kiến (là đại diện chính quyền cấp xã, Viện kiểm sát hoặc người bào chữa) nếu xét thấy cần thiết./.

Hoàng Văn Đĩnh- VKSND huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,916,428
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.142.113

    Thư viện ảnh