Ngày 07/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018 và thay thế Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005. So với Nghị định số 26 thì Nghị định số 30 có một số điểm mới cơ bản sau đây:
1- Về kết cấu, Nghị định gồm có 4 chương, 26 điều, giảm 01 chương, giữ nguyên số điều; Nghị định này đã bỏ chương IV quy định về “xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo” trong Nghị định số 26.
2. Về nội dung:
* Chương I. Những quy định chung:
Quy định rõ đối tượng áp dụng của Nghị định, đó là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan(Điều 2), trong khi Nghị định số 26 không quy định đối tượng áp dụng.Nghị định cũng khái niệm thế nào là: tài sản cần định giá; phương pháp định giá tài sản; tài sản tương tự; hàng cấm (Điều 3).
Về nguyên tắc định giá, Nghị định này bổ sung thêm 01 nguyên tắc định giá đó là ngoài phù hợp với giá thị trường, tài sản cần định giá còn có thể phù hợp với giá thị trường của tài sản tương tự (khoản 1 Điều 4). Trong khi Nghị định số 26 chỉ quy định một nguyên tắc là phù hợp với giá thị trường của tài sản bị xâm phạm.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Nghị định quy định rõ việc yêu cầu cử người tham gia Hội đồng định giá và việc cử người tham gia Hội đồng định giá phải thực hiện bằng văn bản; cơ quan, tổ chức cử người tham gia Hội đồng định giá phải đúng thời gian theo đề nghị của cơ quan thành lập Hội đồng định giá (khoản 1 Điều 5).
* Chương II. Quy định việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản:
Thành lập Hội đồng định giá: Nghị định quy định riêng biệt 02 trường hợp thành lập Hội đồng định giá, đó là Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên. Theo đó, Hội đồng định giá theo vụ việc có thể được thành lập ở cả 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện), còn Hội đồng định giá thường xuyên chỉ thành lập ở 02 cấp (tỉnh và huyện). Ngoài ra, quy định đối với cùng một tài sản được trưng cầu định giá, nếuHội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để định giá đối với tài sản đóthì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc (Điều 6, 7). Về thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, cơ bản vẫn giữ nguyên như trước đây. Đồng thời bỏ quy định về thành lập Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.
Thành phần Hội đồng định giá: Nghị định quy định Thành viên Thường trực Hội đồng định giá cấp tỉnh là lãnh đạo cấp phòng, thay vì là chuyên viên của cơ quan tài chính như trước. Chủ tịch Hội đồng định giá trung ương là lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ hoặc lãnh đạo cơ quan chuyên môn được ủy quyền của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, thay vì là lãnh đạo Bộ Tài chính. Thành viên Thường trực Hội đồng định giá trung ương là lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, thay vì là lãnh đạo đơn vị chuyên môn về giá của Bộ Tài chính. Số lượng thành viên Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với cấp huyện, 05 người đối với cấp tỉnh và trung ương, đồng thời quy định có thể thành lập Tổ giúp việc Hội đồng (Điều 8).
Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng định giá: Hoạt động theo cơ chế tập thể. Cơ quan của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc Chủ tịch Hội đồng phải đóng dấu vào các văn bản của Hội đồng và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng.Hội đồng tiến hành định giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự; chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập hoặc khi có Quyết định của người có thẩm quyền(Điều 9).
Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá: Bổ sung 02 quyền, đó là quyền thuê tổ chức giám định để thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sảnvà quyền được bảo đảm về tài chính đầy đủ, kịp thời và các cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành định giá tài sản(điểm b, đ khoản 1 Điều 10). Bổ sung nghĩa vụ thông báo kịp thời bằng văn bản tới các thành viên Hội đồng về nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm phiên họp định giá tài sảnđiểm b khoản 2 Điều 10).
Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng định giá: Bổ sung 02 quyền, đó là quyền được tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến tài sản cần định giá và quyền từ chối tham gia định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá (trước đây quyền này được quy định là nghĩa vụ). Bổ sung nghĩa vụ phải giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản.
Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng định giá (Điều 12): Đây là Điều mới hoàn toàn quy định riêng đối với Chủ tịch Hội đồng định giá (trước đây Chủ tịch Hội đồng chỉ có chung các quyền, nghĩa vụ như các thành viên khác của Hội đồng). Theo đó, ngoài các quyền và nghĩa vụ như các thành viên khác của Hội đồng, thì Chủ tịch có các quyền đó là: Chỉ đạo chung hoạt động của Hội đồng; điều hành và phân công nhiệm vụ cho thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng; quy định nhiệm vụ cho Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có); đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao;Triệu tập và điều hành phiên họp định giá tài sản, chỉ đạo thành viên Hội đồng chuẩn bị nội dung các vấn đề liên quan đến định giá tài sản để thảo luận tại phiên họp. Đồng thời có các nghĩa vụ: Chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá về hoạt động của Hội đồng; Thay mặt Hội đồng hoặc ủy quyền cho thành viên Hội đồng giải thích để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản và những tình tiết cần thiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng yêu cầu định giá tài sản.
Các trường hợp không được tham gia định giá: Bổ sung các trường hợp đã tham gia tố tụng với tư cách người giám định, người dịch thuật trong vụ án đó; người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; đồng thời bổ sung trường hợp “đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó” (thay vì quy định “đã tiến hành tố tụng với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tòa án” trong Nghị định số 26).
* Chương III. Quy định trình tự, thủ tục định giá tài sản:
Về tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản: Nghị định quy định văn bản yêu cầu định giá tài sản kèm theo các tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản được gửi đến Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu đối với Hội đồng định giá thường xuyên hoặc được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc(trước đây là gửi đến Chủ tịch Hội đồng định giá).Nội dung, thời hạn gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự. Thời hạn định giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 216 Bộ luật tố tụng hình sự(Nghị định số 26 không quy định thời hạn gửi văn bản yêu cầu định giá;cũng không quy định thời hạn định giámà căn cứ vào thời hạn ghi trong yêu cầu định giá của cơ quan tiến hành tố tụng).
Về căn cứ định giá, Nghị định chia ra gồm tài sản không phải là hàng cấm và tài sản là hàng cấm. Theo đó, với tài sản không phải là hàng cấm ngoài việc phải căn cứ vào giá thị trường, còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá. Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm; Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;…
Phương pháp định giá (Điều 17): Đây là quy định mới hoàn toàn; Theo đó, căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Hội đồng định giá thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá. Đồng thời Nghị định quy định phương pháp định giá đối với một số trường hợp cụ thể, như: Tài sản chưa quy sử dụng thì xác định giá theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt);Tài sản đã qua sử dụngthì xác định giá trên cơ sở giá trị thực tế của tài sản;Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏngthìxác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ. Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏngthìxác định giá theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.Tài sản là hàng giảthìxác định giá theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sửthìxác định giá dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.
Về biên bản phiên họp định giá tài sản: Ngoài những nội dung chính như biên bản định giá tài sản thông thường, thì đối với định giá tài sản là hàng cấm Biên bản phiên họp định giá tài sản phải bao gồm những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá.
Kết luận định giá tài sản: Thực hiện theo các quy định tại Điều 101 và Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự; giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam; được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Hội đồng định giá tài sản lập kết luận định giá. Ngoài ra quy định, số lượng biên bản phiên họp, kết luận định giá phải được lập thành ít nhất là 03 bản, trong đó 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản.
Về định giá lại tài sản: Nghị định quy định cụ thể hơn các trường hợp định giá lại, định giá lại lần hai và thẩm quyền định giá lại. Bên cạnh đó, quy định cụ thể các trường hợp không thuộc trường hợp định giá lại, đó là: Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá; hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản;Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng(Điều 21).
Ngoài ra, nghị định còn quy định việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định khi đã có kết luận định giá lại lần hai. Thẩm quyền định giá trong trường hợp này do Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương thực hiện (Điều 22).
Hồ sơ định giá tài sản, quy định bổ sung thêm thành phần hồ sơ là “Tài liệu do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp”.
* Chương IV. Điều khoản thi hành:
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018.Những vụ việc đang tiến hành định giá theo Nghị định số 26, thìtiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26.
Hoàng Văn Quý- VKSND huyện Hiệp Hòa