ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 21/12/2024 -21:00 PM

Một số quy định mới của chế định chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Chứng cứ và chứng minh là một trong những chế định quan trọng nhất, xuyên suốt toàn bộ quá trình tố tụng vụ án hình sự. Các cơ quan tố tụng chỉ có thể xác định các tình tiết của vụ án bằng chứng cứ để giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm tháo gỡ những bất cập của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã có những đổi mới quan trọng trong vấn đề chứng và chứng minh, đó là:

Thứ nhất, thay đổi việc thu thập chứng cứ theo hướng chỉ giao cho cơ quan tố tụng thực hiện, mà bổ sung cho người bào chữa cũng có quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội cũng có quyền đưa ra chứng cứ (Điều 86).

Thứ hai, nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây khó khăn trong thực tiễn thực hiện, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ (Điều 88).

Thứ ba, bổ sung và quy định cụ thể trách nhiệm, trình tự, thủ tục các cơ quan tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp (Điều 88).

Thứ tư, bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm: dữ liệu điện tử; kết quả định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác (Điều 87).

Thứ năm, quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ đặc thù này (Điều 107).

Thứ sáu, nhằm khắc phục những biểu hiện tùy tiện, vi phạm quyền con người, quyền công dân có thể xảy ra trong quá trình chứng minh về vụ án, Điều 87 BLTTHS năm 2015 bổ sung nguyên tắc loại trừ chứng cứ: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bọ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”.

Thứ bảy, bổ sung những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự nhằm đặt yêu cầu đối với các cơ quan tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh tâm lý chủ quan, một chiều trong quá trình chứng minh về vụ án; theo đó bổ sung trách nhiệm phải chứng minh: nguyên nhân và điều kiện phạm tội, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt (Điều 85).

Như vậy, BLTTHS năm 2015 với những sửa đổi, bổ sung nêu trên đã góp phần hoàn thiện lý luận về chứng cứ và chứng minh. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Thị Huệ- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,786,597
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.16.6

    Thư viện ảnh