Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4; khoản 6 Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự được quy định cụ thể hóa tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định của Bộ LTTDS, khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự Viện KSND có các quyền yêu cầu cụ thể là: Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu (Điều 194); Yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu chứng cứ (Khoản 3 Điều 58); Yêu cầu công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án (điểm c Khoản 1 Điều 254); Yêu cầu nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh (Điều 255); Yêu cầu chủ tọa phiên tòa tiếp tục xét hỏi khi xét thấy quá trình xét hỏi chưa đầy đủ, toàn diện (Điều 258); Yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa (Khoản 4 Điều 236); Yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Khoản 2 Điều 329 và Điều 357); Yêu cầu người có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bổ sung tài liệu, chứng cứ (Khoản 2 Điều 330); Yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 1 Điều 332); Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (Khoản 4 Điều 106).
Việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao: Yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu, đơn khởi kiện trong trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện (Khoản 1 Điều 21); Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ (Điều 22); Yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa, phiên họp (Điều 23); Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ (điểm a Khoản 1 Điều 5).
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, tùy từng thời điểm Viện kiểm sát ban hành văn bản yêu cầu.
Thứ nhất: Thông qua kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện để có văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu;
Thứ hai: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu thấy Tòa án chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Tòa án xác minh thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ;
Thứ ba: Tại phiên tòa nếu Tòa án khôngcông bố tài liệu, chứng cứ của vụ án thì Kiểm sát viên có quyền Hội đồng xét xử công bố; Yêu cầu chủ tọa phiên tòa tiếp tục xét hỏi khi xét thấy quá trình xét hỏi chưa đầy đủ, toàn diện; Yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
Thứ tư: Thông qua kiểm sát các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ; công nhận sự thỏa thuận của đương sự ....mà xét thấy cần rút hồ sơ để kiểm sát thì yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu;
Thứ năm: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ để thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị.
...
Việc nghiên cứu, học tập và thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi thực hiện quyền yêu cầu là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự; nâng cao vị trí, vai trò của Viện KSND trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn./.
Giáp Thị Thủy- VKSND huyện Hiệp Hòa