ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 21/12/2024 -20:53 PM

Những quy định mới trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Tham ô tài sản” theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

 | 

Tội “Tham ô tài sản” được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có nhiều sửa đổi bổ sung, cụ thể:

Thứ nhất: Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạttừ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 278 BLHS 1999) lên 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (khoản 2 Điều 278 BLHS 1999) lên 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 2 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 3 Điều 278 BLHS 1999) lên từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 (khoản 3 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên (khoản 4 Điều 278 BLHS 1999) lên từ 1.000.000.000 đồng trở lên (khoản 4 Điều 353 BLHS 2015).

Thứ hai, khoản 1 Điều 353 BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc bỏ tình tiết này là phù hợp, tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình áp dụng điều luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ ba, khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 sửa đổi tình tiết “phạm tội nhiều lần” (điểm c khoản 2 điều 278 BLHS năm 1999) thành “Phạm tội từ 2 lần trở lên”. Việc sửa đổi giúp quy định pháp luật trở nên rõ ràng, dễ áp dụng.

Thứ tư, BLHS năm 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” (điểm đ khoản 2 Điều 278 BLHS 1999).

Tại khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 bổ sung các tình tiết: “Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn” (điểm đ khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015); “gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng” (điểm e khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015); “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức” (điểm g khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015). Tuy nhiên, trường hợp thế nào là ảnh hướng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức thì cần phải có hướng dẫn để thuận lợi cho việc áp dụng.

Thứ năm, BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” (điểm b khoản 3 Điều 278 BLHS 1999). Tại khoản 3 Điều 353 BLHS 2015 bổ sung các tình tiết “gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng” (điểm b khoản 3 Điều 353 BLHS 2015); “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm c khoản 3 Điều 353 BLHS 2015); “dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động” (điểm d khoản 3 Điều 353 BLHS 2015).

Thứ sáu, BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” (điểm b khoản 4 Điều 278 BLHS 1999). Tại khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 bổ sung tình tiết “gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên” (điểm b khoản 4 Điều 353 BLHS 2015).

Như vậy, Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ các tình tiết quy định chung chung khó áp dụng thay vào đó là các tình tiết cụ thể đối với từng khung hình phạt để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Thứ bảy, tại khoản 5 Điều 353 BLHS 2015 tăng mức phạt tiền bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 5 Điều 278 BLHS 1999) lên 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Thứ tám, bổ sung khoản 6 Điều 353 BLHS 2015 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, Bộ luật Hình sự đã mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống các cơ quan nhà nước, mà còn người có chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Thứ chín, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Tham ô tài sản” thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 (khoản 3 Điều 28 BLHS 2015). Đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.

Thứ mười, để hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời thực thi chính sách nhằm tăng cường việc thu hồi tài sản tham nhũng do phạm tội, tại điểm c, khoản 3 Điều 40BLHS 2015 quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớnthì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Nguyễn Thị Huệ- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,786,534
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.87.189

    Thư viện ảnh