ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -02:05 AM

Một số quy định mới trong thực tiễn cần lưu ý khi thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự 2015

 | 

Ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13. Để áp dụng đúng các quy định mới của BLTTHS năm 2015, cần phải áp dụng chính xác trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng.

Thứ nhất, Quy định mới về chỉ định người bào chữa (Điều 76 BLTTHS 2015): Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 76 và Khoản 2 Điều 422 BLTTHS 2015. Vì vậy kể từ ngày 01/01/2018 trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ đối với tội phạm có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên.

Về thủ tục cũng có sự thay đổi: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2,3 Điều 78 BLTTHS 2015 cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa (khoản 5 Điều 78 BLTTHS 2015) thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án.

Đối tượng người bào chữa cũng được mở rộng, ngoài ba đối tượng quy định  tại Khoản 1 Điều 56 BLTTHS 2003, thì BLTTHS 2015 bổ sung thêm đối tượng là trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (điểm b Khoản 2 Điều 76); thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng cũng được quy định mới Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 74 BLTTHS 2015). Sự có mặt của người bào chữa cũng quy đinh cụ thể, chặt chẽ hơn: Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. 

Thứ hai, về chứng cứ và thu thập chứng cứ: Đã bổ sung thêm nguồn chứng cứ (Khoản 1 Điều 87): c) Dữ liệu điện tử; d)…, định giá tài sản; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác; Đồng thời quy định mới về trình tự, thời hạn chuyển giao tài liệu, chứng cứ (Khoản 5 Điều 87): Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này (Kê biên tài sản (Đ128), Phong tỏa tài khoản (Đ 129), Đối chất nếu KSV không tham gia (Đ 189), Nhận dạng nếu KSV không tham gia (Đ 190), Nhận biết giọng nói nếu KSV không tham gia (Đ 191), Các trường hợp khám xét, thu giữ, tạm giữ chứng cứ nếu  KSV không tham gia (từ Điều 193 đến Điều 198,…) thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Thứ ba, về thời chuyển giao hồ sơ và bản cáo trạng: Điều 244 BLTTHS 2015 quy định Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày (Điều 166 BLTTHS 2003 không quy định kéo dài thời hạn.
Thứ tư, về bổ sung tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (Điều 284 BLTTHS 2015):  Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Thẩm phán chủ toạ phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung; Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ phải bằng văn bản, nêu rõ tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu; Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung. Nếu đã yêu cầu VKS bổ sung nhưng VKS không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án (Khoản 6 Điều 252 BLTTHS 2015); Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án (Khoản 3 Điều 284 BLTTHS 2015).

Trên đây là một số quy định mới trong thực tiễn cần lưu ý khi thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự 2015./.

Phùng Anh Tuấn- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,546,495
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.206.25

    Thư viện ảnh