Điều 121 và Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Thời hạn Bảo lĩnh, thời hạn Cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này… Tuy nhiên thực tế áp dụng còn có một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng.
Thời hạn điều tra, truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 172, Điều 240, Điều 277 của Bộ luật Tố tụng hình sự (trong đó quy định cả thời hạn gia hạn). Thực tế trong quá trình giải quyết có nhiều vướng mắc về việc ghi thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn.
-Thứ nhất: Nếu ghi theo thời hạn chính (Không tính gia hạn) nhưng trong quá trình giải quyết mà vụ án đó cần thiết phải gia hạn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tiếp theo trong thời gian gia hạn thời hạn tố tụng sẽ được thực hiện như thế nào vì Bộ luật không quy định việc gia hạn thời hạn bảo lĩnh, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú; Nếu ghi thời hạn( cả thời hạn gia hạn) mà vụ án đó không cần thiết phải gia hạn thời hạn giải quyết thì Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn đó sẽ quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Ví dụ: Ngày 10/01/2018, A có hành vi trộm cắp tài sản 01 xe mô tô trị giá 8.000.000 đồng (A chưa có tiền án tiền sự). Ngày 13/01/2018, Cơ quan điều tra huyện B khởi tố A về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi thời hạn từ ngày 13/01/2018 đến ngày 13/3/2018. Tuy nhiên quá trình giải quyết, do vụ án có nhiều tính chất phức tạp cần phải gia hạn thời hạn điều tra lần thứ nhất thời hạn từ ngày 13/3/2018 đến ngày 13/5/2018. Trong thời gian này A không bị áp dụng một biện pháp ngăn chặn nào.
-Thứ hai: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 232 và Điều 244 thì trong thời hạn 02 ngày kể từ khi kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản Cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án. Thời gian này không là thời hạn điều tra, truy tố vì vậy bị can không được áp dụng biện pháp ngăn chặn nào trong thời gian này.
Ví dụ: Ngày 20/02/2018, Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố B về tội Trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự (B đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú). Viện kiểm sát đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với B thời hạn kể từ ngày 20/02/2018 đến ngày 22/3/2018 (cả thời hạn gia hạn thời hạn truy tố). Ngày 22/3/2018, Viện kiểm sát ban hành cáo trạng truy tố đối với B; ngày 24/3/2018, chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án. Như vậy thời gian trên B không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào.
Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc ghi thời hạn để thống nhất trong việc giải quyết vụ án
Ngô Đức Nghiêm- Viện KSND huyện Hiệp Hòa