.

Thứ sáu, 19/04/2024 -12:50 PM

Tìm hiểu một số quy định mới theo Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/12/2017

 | 

Ngày 29/12/2017, liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thông tư liên tịch số 01 có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2018 trong đó có một số điểm mới so với Thông tư số 06 ngày 02/8/2013, cụ thể như sau:

Về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Thông tư số 01 ngày 29/12/2017 thiết kế riêng rẽ trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 5) và trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết kiến nghị khởi tố (Điều 6). Những quy định trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết trong Thông tư số 01 được thiết kế gọn, rõ ràng và dễ hiểu hơn so với Thông tư số 06. Đồng thời, căn cứ Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự, tại điểm b, khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01 đã quy định cụ thể các trường hợp Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (được giải thích tại Điều 3 Thông tư số 01). Các trường hợp đó là: (1) Vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm); (2) Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố).

Về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Trước đây thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh bất cập, khó khăn như  đối với những vụ việc phức tạp, nhiều đối tượng, ở nhiều địa phương khác nhau, những vụ việc phải chờ kết luận giám định của các cơ quan có thẩm quyền… mà thời hạn giải quyết tối đa chỉ là 02 tháng (trong Thông tư số 06 cũng không hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này) nên việc tiến hành kiểm tra, xác minh gặp nhiều khó khăn. Khắc phục vấn đề này, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 11 Thông tư số 01 đã quy định cụ thể hơn các trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định (02 tháng) thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần không quá 02 tháng (như vậy thời hạn giải quyết tối đa là 04 tháng). Đây là quy định mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đây, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng thời hạn luật định, hạn chế bỏ lọt tội phạm.

Về việc tạm đình chỉ giải quyết:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư 06 không quy định việc tạm đình chỉ đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư 01 đã bổ sung quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với những vụ việc đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả mà hết thời hạn, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp; cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trường hợp không có căn cứ, Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì thời hạn giải quyết tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ. Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn thì phải ra quyết định phục hồi giải quyết, trường hợp này thì thời hạn giải quyết tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi. Quy định này nhằm xử lý các tin báo tồn đọng khi căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết không còn, đảm bảo xử lý triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Về giải quyết các trường hợp liên quan đến thẩm quyền của nhiều đơn vị giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Thông tư 06 không có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Thông tư số 01 đã quy định rõ về vấn đề này (Điều 12), góp phần tạo điều kiện cho việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được chính xác, kịp thời.

Thông tư số 01 còn quy định cụ thể về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 13). Ngoài ra, việc Thông tư số 01 không quy định thời hạn Viện kiểm sát có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng là một điểm mới so với Thông tư số 06 (Thông tư số 06 quy định là 06 ngày làm việc). Bởi lẽ vấn đề này đã được quy định cụ thể tại các Điều 148, 154 và 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Trên đây là một số điểm mới trong Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố./.

                                               Vi Đức Thứ- Viện KSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,695,329
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.147.215

    Thư viện ảnh