Nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều quy định cụ thể, chi tiết về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo… trong đó đáng lưu ý là quyền bào chữa.
Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung thêm nhiều quyền, nghĩa vụ và cơ chế bảo đảm để người bào chữa thực hiện tốt các quyền của mình, cụ thể Điều 73 Bộ luật TTHS quy định: Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt đó là sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý như trước đây; được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Ngoài ra Bộ luật cũng bổ sung các cơ chế để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa như: Các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia; thủ tục gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án…
Điều 81 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, gồm: Gặp thân chủ, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa.
Khoản 2 Điều 81 Bộ luật TTHS 2015 quy định “Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này”.
Như vậy, căn cứ vào những quy mới nêu trên về quyền của người bào chữa có thể thấy rằng, người bào chữa có quyền tham gia, xem, trích tất cả các tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra vụ án của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ cho việc bào chữa của mình.
Nghiên cứu những quy định nêu trên về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, tôi thấy có một số vướng mắc đó là:
Thứ nhất: Các hoạt động thu thập chứng cứ như lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo… của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa biết để họ tham gia, nhưng luật lại không quy định khi người bào chữa thực hiện thao tác trên phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết để tham gia là chưa tạo ra sự công bằng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Bộ luật TTHS năm 2015 quy định nguyên tắc loại trừ chứng cứ, Khoản 2 Điều 87 quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”. Như vậy, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ không thông báo cho người bào chữa thì việc thu thập chứng cứ như việc lấy lời khai đó có được coi là chứng cứ hợp pháp hay không.
Thứ hai: Bộ luật quy định về việc giao nộp tài liệu, chứng cứ do người bào chữa thu thập cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là “nộp ngay” mà chưa quy định cụ thể thời hạn nộp là bao nhiêu và những chứng cứ, tài liệu do người bào chữa thu thập được nhưng cố tình không nộp để đến khi xét xử công khai mới nộp thì có được coi là chứng cứ hợp pháp hay không, điều này có thể dẫn đến việc tuỳ nghi thực hiện, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định lại chứng cứ…
Để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất thực hiện thì liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn những quy định nêu trên theo hướng: Khi người bào chữa tiến hành các hoạt động tự thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết để tham gia, nếu không tham gia được thì người bào chữa có quyền tiến hành các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật (tương tự như trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ phải thông báo cho người bào chữa biết để tham gia). Sau khi thu thập được tài liệu, chứng cứ, người bào chữa có trách nhiệm nộp tài liệu, chứng cứ đó trong thời hạn nhất định cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án.
Trên đây là một số ý kiến về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Trần Ngọc Nam- Thanh tra