ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -04:17 AM

Một số vấn đề về trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Trong phạm vi bài viết này, tôi trao đổi về các quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Điều 245 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

- Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

- Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tại Điều 280 BLTTHS năm 2015 quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

- Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

- Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

- Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Như vậy, các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Những quy định đó là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán có nhận thức thống nhất, đầy đủ và chính xác hơn trong quá trình giải quyết vụ án, nhất là trước khi xem xét có hay không có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Để đảm bảo cho quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 22/12/2017, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 06/02/2018.

Qua nghiên cứu thấy nội dung của Thông tư số 02 cơ bản được kế thừa Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSTC-BCA-TATC ngày 27/8/2010 và có một số điểm mới, khác biệt quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều này được thể hiện rõ trong các Điều 3, 4, 5, 6, 7 khi quy định về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với từng trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc quy định rõ ràng và cụ thể như vậy giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xác định chính xác, cụ thể và thống nhất các trường hợp cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu thực hiện tốt Thông tư này sẽ khắc phục việc trả hồ sơ không có căn cứ hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Thông tư số 02 còn bổ sung quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cụ thể là quy định về sự phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong quá trình điều tra đến khi kết thúc điều tra (Điều 11); quy định về sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn truy tố (Điều 12); quy định về sự phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn xét xử (Điều 13).

Như vậy, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung có ý nghĩa rất quan trọng khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Mục đích của việc ban hành Thông tư không những nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà còn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Vì vậy, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần tích cực nghiên cứu, học tập và thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật hình sự và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian tới./.

                                               Nguyễn Xuân Hồng- Viện KSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,411,482
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.125.61

    Thư viện ảnh