Các quy định liên quan đến hồ sơ vụ án, văn bản tố tụng, việc cấp, chuyển giao, tống đạt các văn bản tố tụng là những quy định mới được quy định tại Chương VIII của BLTTHS năm 2015
1. Về hồ sơ vụ án (Điều 131): Đây là quy định lần đầu tiên được đưa vào Luật, quy định rõ, khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án; hồ sơ vụ án gồm có lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lập; Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, luật còn quy định, các chứng cứ, tài liệu do Viện Kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử cũng phải đưa vào hồ sơ vụ án. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định pháp luật.
2. Về văn bản tố tụng (Điều 132): Cũng như quy định về hồ sơ vụ án, BLTTHS năm 2003 không quy định thế nào là văn bản tố tụng, nay BLTTHS 2015 quy định rõ văn tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất. Yêu cầu của văn bản tố tụng là phải ghi rõ các nội dung chính như: Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng; Căn cứ ban hành văn bản tố tụng; Nội dung của văn bản tố tụng; Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
3. Về biên bản (Điều 133): So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã bổ sung để quy định rõ một số trường hợp xảy ra trong thực tiễn, đó là:
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.
4. Về giao nhận chứng cứ giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát (Khoản 5 Điều 88): Đây là quy định mới để xác định trách nhiệm của Cơ quan điều tra khi tiến hành điều tra vụ án, tạo điều kiện để Viện Kiểm sát bám sát tiến độ điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra và cũng là một trong những biện pháp để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.
Trong thời hạn 03 ngày, Viện Kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định.
5. Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng (Điều 137): BLTTHS năm 2015 quy định có 04 phương thức cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng, đó là: Cấp, giao, chuyển trực tiếp; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Niêm yết công khai và Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng. Quy trình, thủ tục, cách thức, nội dung cụ thể của 04 phương thức này được quy định tại các Điều 138, 139, 140, 141. Trong đó có một số điểm cần lưu ý là:
- Đối với thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng (Điều 138): Người thực hiện việc cấp, giao, chuyển văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được nhận và yêu cầu người nhận ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận và tính thời hạn tố tụng là ngày họ ký nhận.
Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích của họ có đủ năng lực hành vi dân sự ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại ngay cho người được nhận.
Trường hợp không thể giao cho người được nhận văn bản tố tụng quy định tại khoản này thì có thể chuyển giao văn bản đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giao lại cho người được nhận. Cơ quan, tổ chức phải thông báo ngay kết quả việc cấp, giao, gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền THTT đã yêu cầu. Ngày ký nhận của cơ quan, tổ chức là ngày được cấp, giao văn bản tố tụng.
Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, giao, có xác nhận của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc, học tập.
Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc từ chối và có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trường hợp người được cấp, giao văn bản tố tụng là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng được giao trực tiếp cho người đại diện của cơ quan, tổ chức đó và phải được người này ký nhận.
- Đối với thủ tục gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính (Điều 139):Việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền THTT. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng.
- Đối với thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng (Điều 140): Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối cùng người đó làm việc, học tập. Văn bản tố tụng phải được niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết thúc việc niêm yết.
- Đối với thủ tục thông báo văn bản tố tụng trên phương tiện thông tin đại chúng (Điều 141): Việc thông báo văn bản tố tụng trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi việc niêm yết công khai không có kết quả hoặc các trường hợp khác theo quy định pháp luật. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong 03 số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết thúc việc thông báo.
6. Về trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng (Điều 142): BLTTHS năm 2015 cũng quy định rõ, Cơ quan, người có thẩm quyền THTT phải cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định của BLTTHS 2015 thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Như vậy, những quy định liên quan đến hồ sơ, văn bản tố tụng, việc cấp, chuyển giao, tống đạt các văn bản tố tụng đã được BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể, rõ ràng, là những căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát tiến hành hoạt động THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của BLTTHS năm 2015./.
Đồng Thị Toàn- VKSND huyện Lạng Giang