ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -04:08 AM

Phạm vi tranh tụng trong giải quyết vụ án hành chính

 | 

Quy định về việc tranh tụng không chỉ có trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự mà có cả trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, mỗi loại tố tụng việc tranh tụng được thể hiện ở những mức độ khác nhau, có những đặc điểm riêng biệt. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật số 93/2015/QH13) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 có các điều luật quy định về thủ tục trang tụng trong giải quyết vụ án hành chính.

- Điều 18 Luật tố tụng hành chính quy định về bảo đảm tranh tụng trong xét xử:

"1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định".

- Điều 98 Luật tố tụng hành chính quy định về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ:

"1. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

2. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này".

- Điều 175 Luật tố tụng hành chính quy định nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa:

"1. Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án.

2. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.

3. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt ý kiến không liên quan đến vụ án".

Căn cứ các quy định nêu trên, chủ thể tham gia tranh tụng trong tố tụng hành chính chỉ bao gồm đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính không phải tham gia tranh tụng.

Phạm vi tranh tụng là tất cả các vấn đề nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Việc tranh tụng được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án; các bên đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu chứng cứ và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu chứng cứ đã giao nộp. Việc tranh tụng kết thúc khi vụ án được giải quyết; quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với vụ án được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quyền tranh tụng vẫn được bảo đảm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tài thẩm.

Về nội dung, phương thức tranh tụng tại phiên tòa bao gồm: Trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, về quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự. Trang tụng ngoài phiên tòa là các hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ, tài liệu, quyền yêu cầu được tiếp cận tài liệu. Việc tranh tụng tại phiên họp đối thoại và tại phiên tòa được tiến hành dưới sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Về biểu hiện của tranh tụng là phải đối thoại trước khi đưa vụ án ra xét xử; việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại là thủ tục bắt buộc và phải tuân theo nguyên tắc được quy định tại Điều 134 Luật TTHC./.

                                                   Nguyễn Văn Chuyên- VKSND huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,411,451
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.107.159

    Thư viện ảnh