.

Thứ năm, 02/05/2024 -11:34 AM

Những điểm mới cần lưu ý trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật TTHS năm 2015, Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015

 | 

Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những chức năng của VKSND. Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong thực tiễn áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Luật tổ chức VKSND, Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật TTHC đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới trong đó có nội dung về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong phạm vi của bài viết, tôi xin đề cập đến những điểm mới cần lưu ý trong khâu công tác này được quy định tại các bộ luật nói trên nhằm giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát để có thể nắm vững, thực hiện tốt công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khác với Luật tổ chức VKSND năm 2002, Luật tổ chức VKSND năm 2014 có những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Luật tổ chức VKSND năm 2002 không quy định rõ đối tượng, mục đích của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đối tượng, mục đích của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động tư pháp; những hành vi, quyết định tố tụng nào bị khiếu nại, hành vi vi phạm pháp luật nào bị  tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát; khi giải quyết khiếu nại, tố cáo VKSND có những nhiệm vụ, quyền hạn gì; khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động tư pháp, VKSND có những nhiệm vụ, quyền hạn gì? Những phương thức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đó ra sao..? Khắc phục những hạn chế, bất cấp những quy định trên, tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định rõ công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một lĩnh vực công tác của VKSND đó là: "kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền" (điểm h khoản 2 Điều 6); đồng thời quy định công tác này thành một mục riêng đó là: "Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp" (Mục 8, Chương II) và quy định tại 03 Điều với những quy định cụ thể về khiếu nại, tố cáo mà VKSND có thẩm quyền giải quyết; về nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; về trách nhiệm báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của VKSND tối cao.(Điều 29, Điều 30 và Điều 31). Điểm duy nhất được coi là “mới” là tại Điều 30 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định đối tượng kiểm sát không phải là “cơ quan tư pháp” như Luật tổ chức VKSND năm 2002 mà là “cơ quan có thẩm quyền”.

Bộ luật TTHS năm 2015 dành toàn bộ Chương XXXIII, gồm 15 Điều để quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; có những điểm cần lưu ý như sau:

Thứ nhất,phân định phạm vi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự: Đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị không được giải quyết theo chương XXXIII của BLTTHS năm 2015. Trong những trường hợp này tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng đang thực hiện để xem xét trả lời và hướng dẫn người khiếu nại; việc trả lời và hướng dẫn chỉ thực hiện một lần (Điều 469).

Thứ hai, quy định cụ thể hơn các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại:đó là các quyết định của Thủ trưởng, phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS, KSV, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của hành vi tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra(có 3 chủ thể mới là: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên) (Điều 470).

Thứ ba, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam: BLTTHS năm 2015 đã chỉ rõ “Viện trưởng Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Ngoài việc các lệnh, quyết định trong tạm giữ, tạm giam có thể bị khiếu nại thì các hành vi thực hiện các lệnh, quyết định đó cũng có thể bị khiếu nại; đồng thời pháp luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữtrong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nạiđể đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại và thời hạn giải quyết của VKS tối đa là 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại(Điều 474).

Thứ tư, thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ.(Điều 475).

Thứ năm, thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSND tối cao và VKSND cấp cao:VKSND tối cao xem xét, giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố; kiểm sát điều tra, truy tố; VKSND cấp cao xem xét, giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Thời hạn giải quyết khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. (Điểm a, b; khoản 3 Điều 476).

Thứ sáu, về tố cáo: Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về tố cáo trong TTHS không khác nhiều so với Bộ luật TTHS năm 2003. Tuy nhiên chủ thể tố cáo được mở rộng: trước đây chỉ có công dân mới có quyền tố cáo, nay sửa đổi là hơn "Cá nhân có quyền tố cáo...”. Với quy định của BLTTHS năm 2015 thì kể cả người nước ngoài cũng có quyền tố cáo (Điều 478). Một điểm khác nữa là người tố cáo và người bị tố cáo có quyền được nhận quyết định giải quyết tố cáo. (điểm c, khoản 1, điều 479; điểm c, khoản 1 điều 480). Ngoài ra, tại Điều 481 có quy định: Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra có thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không quy định cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Thứ bảy,  trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo:BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. (Khoản 3, điều 482).

Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 ngoài những quy định mang tính chất kế thừa của Bộ luật TTDS năm 2004 và Luật TTHC năm 2010 cũng đã bổ sung những quy định mới về khiếu nại, tố cáo trong TTDS, TTHC, đáng lưu ý:

Thứ nhất, về hình thức khiếu nại:Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 đã quy định rõ việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại (Điều 503 BLTTDS, Điều 331 Luật TTHC).

Thứ hai, tăng thời hạn giải quyết khiếu nại đối với vụ việc có tính chất phức tạp: lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại; đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại (Điều 505 Bộ luật TTDS, Điều 333 Luật TTHC).

Thứ ba, quy định mới về nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Đây là bước tiến trong việc quy định về khiếu nại, tố cáo trong TTDS, TTHC bởi lẽ đã quy định nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai và cũng như quy định người khiếu nại phải gửi kèm theo đơn khiếu nại những tài liệu gì (Điều 506, 507 Bộ luật TTDS; Điều 334, 335 Luật TTHC).

Thứ tư, về tố cáo:tương tự như Bộ luật TTHS; Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 đã thay cụm từ “Công dân” bằng cụm từ “Cá nhân” có quyền tố cáo…. Với quy định trên đã mở rộng quyền tự do, dân chủ cho tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài, người không có quốc tịch. (Điều 509 Bộ luật TTDS, Điều 337 Luật TTHC).

Nguyễn Hồng Hạnh- Thanh tra VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,814,710
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.219.166

    Thư viện ảnh