.

Thứ năm, 02/05/2024 -09:54 AM

Tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước về đất đai ở nước ta giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1993

 | 

Sau 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình kinh tế kế hoạch, đến năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới, xoá bỏ bao cấp, chuyển sang nền kinh tế hạch toán kinh doanh. Trước tình hình đó, ngày 29/12/1987, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật đất đai đầu tiên: Luật Đất đai năm 1987 (thực hiện từ ngày 08/01/1988 đến ngày 14/10/1993).

Luật Đất đai năm 1987 gồm 57 điều, chia thành 6 chương như sau:

- Chương 1 (có 08 điều): Những quy định chung;

- Chương 2 (có 14 điều): Chế độ quản lý đất đai;

- Chương 3 (có 27 điều): Chế độ sử dụng các loại đất;

- Chương 4 (có 02 điều): Những quy định về chế độ sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên doanh, hợp tác xã của Việt Nam và nước ngoài;

- Chương 5 (có 04 điều): Khen thưởng và kỷ luật;

- Chương 6 (có 02 điều): Điều khoản cuối cùng.

Luật Đất đai năm 1987 đã khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và vẫn giữ 7 nội dung quản lý nhà nước về đất đai như ở Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980, nhưng có hoàn thiện hơn, đó là:

1. Điều tra, khảo sát, đo đạc, phân hạng đất và lập bản đồ địa chính;

2. Quy hoạch và kế hoạch hoá việc sử dụng đất;

3. Quy định các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các chế độ, thể lệ ấy;

4. Giao đất, thu hồi đất;

5. Đăng ký đất đai, lập và giữ sổ địa chính, thống kê đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

6. Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất đai;

7. Giải quyết tranh chấp đất đai.

Luật Đất đai năm 1987 quy định phân chia toàn bộ quỹ đất đai của Việt Nam thành 5 loại là: Đất nông nghiệp; Đất lâm nghiệp; Đất khu dân cư; Đất chuyên dùng; Đất chưa sử dụng.

Đây là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh quan hệ đất đai, bảo vệ quyền sở hữu của Nhà nước, giao đất ổn định lâu dài. Theo tinh thần của Luật này thì:

- Kinh tế nông hộ đã được khôi phục và phát triển với tư cách là một đơn vị kinh tế hàng hoá có quyền tự chủ với đầy đủ nghĩa vụ và lợi ích.

- Các hộ nông dân được giao ruộng đất để sử dụng lâu dài, nông hộ được sử dụng tư liệu sản xuất theo khả năng, được tự chủ tổ chức lao động và thuê thêm nhân công.

- Việc khẳng định quyền sở hữu tối cao của Nhà nước về ruộng đất, giao cho các nông trường, lâm trường và cá nhân quyền sử dụng đất ổn định và lâu dài đã làm thay đổi quan hệ sở hữu theo chế độ tập thể hoá và quốc doanh hoá trước đây.

- Ở các vùng cao nguyên, rừng núi và biển, hình thức tổ chức lâm nghiệp xã hội đã mở ra sự kết hợp các quan hệ hợp tác giữa quốc doanh với các hộ nhận đất, nhận rừng trở thành thành viên của lâm - nông - ngư trường...

- Khuyến khích kinh tế tư nhân trong lĩnh vực khai thác sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 1987 được soạn thảo trong bối cảnh nước ta bắt đầu đổi mới, vừa tuyên bố xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp nên còn mang nặng tính chất của cơ chế đó khi soạn luật. Do đó, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Việc tính thuế trong giao dịch đất đai rất khó khăn vì Nhà nước chưa thừa nhận quyền sử dụng đất có giá trị.

- Chưa quy định rõ những cơ sở pháp lý cần thiết để điều chỉnh về quan hệ đất đai trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, trong quá trình tích tụ tập trung sản xuất trong nông nghiệp và phân công lại lao động trong nông thôn.

- Chính sách tài chính đối với đất đai chưa rõ nét, đặc biệt là giá đất.

- Chưa có những điều chỉnh thích đáng đối với những bất hợp lý trong những chính sách cũ, trong việc thay đổi quy hoạch, thay đổi kết cấu hộ nông dân trong nông thôn.

- Chỉ mới tập trung chủ yếu vào việc xử lý đối với đất nông - lâm nghiệp.

- Chưa cho phép người sử dụng đất dịch chuyển quyền sử dụng đất.

Nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế củaLuật đất đai năm 1987, ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Theo đó, ruộng đất nông nghiệp được giao khoán lâu dài cho nông dân.

Theo tinh thần của Luật Đất đai năm 1987, để tăng cường công tác quản lý đất đai, ngày 14/7/1989 Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành Quyết định số 201- QĐ/ĐKTK về việc ban hành quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 06/11/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 364-CT về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Thực hiện Chỉ thị này, các địa phương đã tiến hành xác định, cắm mốc địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính. Tiếp theo, ngày 12/5/1993, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước đã ban hành Quyết định số 77-QĐ- CT quy định kỹ thuật thành lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Ban chỉ đạo 364 của tỉnh phải lập phương án kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh.

Như vậy giai đoạn này, công tác quản lý đất đai đã bắt đầu đi vào nề nếp và đặc biệt chú ý tới việc xác định, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp địa phương.

Hoàng Đức Trình- Phòng 10 (Sưu tầm và tổng hợp)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,813,936
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.69.152

    Thư viện ảnh