Sau giai đoạn bắt đầu đổi mới (từ 1986-1991), chúng ta vẫn còn thiếu nhiều quy định và ngay cả hệ thống pháp luật đã ban hành cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được tình hình đổi mới của đất nước. Vì vậy, Hiến pháp 1992 ra đời, trong đó quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 17), "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả" (Điều 18). Để phù hợp với giai đoạn mới và thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế, nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 và khắc phục những hạn chế của Luật Đất đai năm 1987, ngày 14/7/1993 Quốc hội khoá IX thông qua Luật Đất đai năm 1993.
I. Luật Đất đai năm 1993:
Gồm 89 điều, chia thành 7 chương như sau:
- Chương 1 (12 điều): Những quy định chung;
- Chương 2 (29 điều): Quản lý nhà nước về đất đai;
- Chương 3 (31 điều): Chế độ sử dụng các loại đất;
- Chương 4 (07 điều): Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
- Chương 5 (05 điều): Quy định về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế thuê đất của Việt Nam;
- Chương 6 (03 điều): Xử lý vi phạm;
- Chương 7 (02 điều): Điều khoản thi hành.
Luật Đất đai năm 1993 dựa trên cơ sở của Hiến pháp năm 1992, đã khắc phục được nhiều nhược điểm của Luật Đất đai năm 1987, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề quan trọng trong việc quản lý và sử dụng đất đai. Sau hai lần sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai năm 1993 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 02/12/1998 và ngày 29/6/2001 cùng hệ thống các văn bản dưới luật, đã hình thành một ngành luật đất đai, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới nền kinh tế - xã hội của đất nước.
II. Những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 1993:
Luật Đất đai năm 1993 đã chế định cơ sở pháp lý cơ bản để quan hệ đất đai ở nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật này đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, song có thể nêu lên bốn nội dung cơ bản nhất sau đây:
- Khẳng định chế độ sở hữu đất đai toàn dân, Nhà nước thay mặt nhân dân thực hiện quyền sở hữu và quyền quản lý tối cao. Tuy nhiên, đây không phải là chế độ sở hữu toàn dân một cấp độ sở hữu - sử dụng như trong Luật Đất đai năm 1987, mà là chế độ sở hữu đất đai toàn dân với đa cấp độ và hình thức, chủ thể sử dụng.
- Với quan niệm về chế độ sở hữu đất đai này, đất đai được "chủ thể hoá' có các chủ sử dụng cụ thể với các quyền và nghĩa vụ được luật pháp quy định. Đây là cơ sở để khắc phục tình trạng "vô chủ" về quan hệ đất đai trước đây.
- Khẳng định quyền sử dụng đất có giá trị, được pháp luật và cuộc sống thừa nhận. Do đó, giá trị của quyền sử dụng đất là một yếu tố cơ bản trong sự vận động của quan hệ đất đai.
- Khẳng định quyền sử dụng đất đai được tham gia trực tiếp vào cơ chế thị trường, là một yếu tố quan trọng hình thành thị trường bất động sản của đất nước. Đây là một phương diện rất mới của quan hệ đất đai ở nước ta so với trước đây.
Xét về nội dung quản lý nhà nước về đất đai, trải qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và năm 2001, Luật Đất đai năm 1993 vẫn khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và vẫn giữ 7 nội dung quản lý nhà nước về đất đai như Luật Đất đai năm 1987 và Quyết định số 201/CP năm 1980, nhưng có hoàn thiện hơn, đó là:
1- Điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính;
2- Quy hoạch và kế hoạch hoá việc sử dụng đất;
3- Ban hành các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng đất và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
4- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất;
5- Đăng ký đất đai, lập và quản lý sổ địa chính, quản lý các hợp đồng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
6- Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất;
7- Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Để đánh giá toàn diện những thành tích đã đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 1993 và nghiêm túc nhìn lại những hạn chế, yếu kém trong quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 12/4/2002 về kiểm tra việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai trong toàn quốc. Theo Báo cáo tổng kết số 05/BC-BTNMT ngày 26/11/2002 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp từ báo cáo của 22 Bộ, ngành và 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì thành tích và yếu kém trong 10 năm thực hiện Luật Đất đai 1993 như sau:
III. Những thành tích và yếu kém
1. Thành tích:
Đã lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2010 được 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 223 đơn vị cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), 3.597 đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn).
Đã cơ bản giao xong đất nông nghiệp cho gần 12 triệu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, với diện tích gần 9,4 triệu ha; trong đó, đã cấp hơn 11,49 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tương ứng với 92,7% số đối tượng và 97,8% số diện tích); đã giao và cho thuê sử dụng vào mục đích chuyên dùng và xây dựng nhà ở là 44.691 dự án (công trình) với tổng diện tích là 405.910 ha.
Đã bồi thường, giải phóng hàng chục nghìn hộ dân tại 11.730 công trình với tổng diện tích là 66.350 ha.
Những kết quả trên đã góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai dần đi vào nề nếp, tạo điều kiện sử dụng đất đai hợp lý và hiệu quả hơn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Những yếu kém
- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phê duyệt còn chậm, tính khả thi chưa cao; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm trung bình mới chỉ đạt 60%.
- Cả nước có 115.040 trường hợp với 15.378 ha sử dụng đất không đúng mục đích; có 40.894 trường hợp với 25.01 1 ha đất giao hoặc thuê sau 12 tháng không sử dụng; 217.009 trường hợp với 10.260 ha giao, cho thuê trái thẩm quyền; 101.400 trường hợp với 27.916 ha đất lấn, chiếm trái phép; 137.000 trường hợp với 45.764 ha chuyển nhượng trái pháp luật.
- Phương thức sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng còn nhiều bất hợp lý; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều ách tắc, bất cập; nợ đọng, trốn tránh tiền thuê đất, tiền sử dụng đất còn nhiều; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm và không kịp thời.
IV. Một số kết quả điển hình và tồn tại lớn:
Trong thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai được đánh giá trong Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 1993 (giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2003) của Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:
- Quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Nhà nước ở trung ương đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; trong đó có 4 luật, 8 pháp lệnh. Nếu tính cả các cấp địa phương thì tới hàng nghìn văn bản nên đã tạo ra một hệ thống pháp luật về đất đai tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, số lượng như vậy là quá nhiều, mức độ phức tạp cao, không thuận lợi trong sử dụng; nội bộ còn mâu thuẫn, gây nên lúng túng trong xử lý; còn nhiều yếu tố chưa có khung điều chỉnh đầy đủ trong văn bản luật, tạo kẽ hở trong thực thi pháp luật.
- Đã đo vẽ được bản đồ địa chính chính quy cho 6.639.117ha; thiết lập hồ sơ địa chính ở 9000 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, tới 40% số đơn vị cấp xã có hồ sơ địa chính chưa đầy đủ và thiếu thống nhất về mẫu sổ sách và nội dung.
- Đã phân chia toàn bộ quỹ đất thành 6 loại đất là: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đô thị, đất khu dân cư nông thôn, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng. Việc phân chia như vậy là vừa theo mục đích, vừa theo địa bàn đã gây trùng lặp, chồng chéo, thiếu tính minh bạch về mặt pháp lý (trong đất đô thị và đất khu dân cư nông thôn đều chứa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng), gây không ít khó khăn cho kiểm kê, thống kê.
- Công tác giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ đã góp phần giúp cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng năng suất lao động, sản lượng nông nghiệp tăng nhưng cũng thể hiện hạn chế là làm manh mún ruộng đất (làm cho cả nước có khoảng 75-100 triệu thửa đất). Đây là nguyên nhân phát sinh việc dồn điền, đổi thửa ở các địa phương.
- Đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với đất ở và đặc biệt là đất ở đô thị thì kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất thấp, mới đạt khoảng 35% số hộ và 25% số diện tích đất ở đô thị. Chưa có những quy định về quản lý tài chính đất một cách hệ thống. Trong thực tế khung giá đất do Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định có chênh lệch quá lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên bình diện thực tế.
- Đã tiến hành hàng chục nghìn cuộc thanh tra, phát hiện và xử lý hàng trăm nghìn ha đất quản lý và sử dụng sai pháp luật. Đồng thời, hàng năm có trên 10 vạn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai (chiếm 65% tổng số vụ khiếu kiện). Hiện tại còn hơn 3000 vụ chưa được giải quyết.
Song cũng cần khẳng định, Luật Đất đai năm 1993 đã có sự tiến bộ và tính khoa học hơn hẳn so với Luật Đất đai năm 1987; đây là thành công rất cơ bản về công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở nước ta trong giai đoan này./.
Lương Thất Tùng- Phòng 10 (sưu tầm và tổng hợp)