.

Thứ năm, 02/05/2024 -20:04 PM

Quy định về đối tượng, điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

 | 

Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 có nhiều quy định mới về đối tượng, điều kiện được hưởng TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền được hưởng TGPL.

1. Về đối tượng, điều kiện được trợ giúp pháp lý

Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 (Điều 10- Luật TGPL 2006) quy định 6 diện người được trợ giúp pháp lý gồm: Người nghèo; Người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Luật TGPL năm 2017 (Điều 7) thìdiện người được trợ giúp pháp lý đã được mở rộng hơn, theo đó, có 06 diện người không phải có các điều kiện kèm theo, còn có 13 diện người được TGPL trong trường hợp có khó khăn về tài chính. Cụ thể:

- Hai diện người vẫn giữ nguyên như Luật TGPL năm 2006 là: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo (khoản 1 và khoản 2 Luật TGPL 2017);

- Hai diện người vẫn được kế thừa nhưng được mở rộng hơn: Luật TGPL năm 2006 quy định “trẻ em không nơi nương tựa” thì Luật TGPL năm 2017 mở rộng là “trẻ em (người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em năm 2016); Luật TGPL 2006 quy định là “người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” thì theo Luật TGPL năm 2017 là “người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Nơi cư trú là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú theo Luật Cư trú năm 2006);

- Luật TGPL năm 2017 bổ sung thêm 02 diện người được trợ giúp pháp lý là: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo (khoản 5 và khoản 6 Luật TGPL năm 2017).

- Đối với các đối tượng có khó khăn về tài chính, Luật TGPL năm 2017 quy định có 13 diện người được TGPL, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Luật TGPL 2017 cũng quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện “có khó khăn về tài chính” của người được TGPL”. Như vậy, đối với diện người này phải đáp ứng hai điều kiện cần và đủ là: Có khó khăn về tài chính theo hướng dẫn của Chính phủ và thuộc một trong 13 diện người nêu trên.

2. Về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL

Luật TGPL năm 2017 (Điều 8, Điều 9), bổ sung một số quyền của người được TGPL, theo đó, quy định rõ người được TGPL được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ich vật chất hoặc lợi ích khác; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Nghĩa vụ của người được TGPL là phải cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL; chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy thực hiện TGPL.

3. Về phạm vi, lĩnh vực, hình thức hoạt động TGPL

- Phạm vi thực hiện TGPL (Điều 26): Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện TGPL trong các trường hợp“người được TGPL đang cư trú tại địa phương; vụ việc TGPL xảy ra tại địa phương; vụ việc TGPL do cơ quan có thẩm quyền về TGPL ở trung ương yêu cầu”;

- Lĩnh vực, hình thức TGPL (Điều 27): TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Hình thức TGPL bao gồm tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý, luật  sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; tư vấn pháp luật. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được hưởng TGPL bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

4. Về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng

Hiện nay, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan THTT trong việc phối hợp thực hiện TGPL. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, ở một số nơi vẫn còn tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự phối hợp tốt để tạo điều kiện để người được TGPL được thụ hưởng quyền của mình như cán bộ tiếp công dân, người THTT chưa chú trọng đến việc hướng dẫn, giải thích về quyền được TGPL; chưa thực hiện việc thông báo lịch xét xử bằng văn bản hoặc giao nhưng chưa kịp thời các quyết định tố tụng cho tổ chức và người thực hiện TGPL... .

Luật TGPL năm 2017 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại Điều 41 Luật TGPL năm 2017 có quy định: “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật này trong hệ thống các cơ quan trực thuộc; Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan THTT có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017 quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL Nhà nước tại địa phương. Như vậy, quy định này cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan THTT đã được ghi nhận tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời cũng bảo đảm để Trung tâm TGPL Nhà nước cử người thực hiện TGPL kịp thời trong thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định pháp luật tố tụng.

Trên đây là một số nội dung của Luật TGPL năm 2017 về đối tượng, điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý./.

Hà Thị Hiên- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,817,943
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.156.46

    Thư viện ảnh