Mỗi một giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng với chức năng nhất định trong hoạt động tư pháp hình sự của từng loại chủ thể tiến hành tố tụng. Giai đoạn truy tố là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự mà chủ thể tiến hành tố tụng là Viện kiểm sát, được tính từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu, hồ sơ kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can do cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra quyết định xử lý vụ án.
Tuy nhiên theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì giai đoạn truy tố cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn này lại được quy định lồng ghép trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Quy định như vậy không thể hiện rõ vai trò, chức năng của Viện kiểm sát trong từng giai đoạn tố tụng hình sự, đồng thời gây lúng túng, khó khăn khi Viện kiểm sát áp dụng các quy định pháp luật cụ thể làm căn cứ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khắc phục tình trạng này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật tố tụng 2015 đã có sự đổi mới rất lớn, quy định rõ hơn không chỉ về nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát, mà còn cả trong từng giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố. Cụ thể, tại mục 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 (Điều 16, 17) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 dành 1 Phần riêng về truy tố gồm 2 chương (Từ Điều 236 đến điều 249), trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố như sau:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố: Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết; Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra; Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra; Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung; Quyết định tách, nhập vụ án; chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Quyết định gia hạn, không gia hạn thời hạn truy tố, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Quyết định truy tố; Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án, quyết định phục hồi vụ án đối với bị can; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để quyết định việc truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để kiểm sát trong giai đoạn truy tố theo quy định của BLTTHS.
Việc quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố như trên góp phần bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn, phân định rành mạch các giai đoạn tố tụng, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
Ngô Thị Thắm- VKSND huyện Lục Nam