.

Thứ bảy, 04/05/2024 -22:33 PM

Tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước về đất đai ở nước ta giai đoạn từ năm 1945 đến ngày 07/01/1987

 | 

Giai đoạn này bao gồm thời kỳ Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) từ năm 1945 đến năm 1975 và thời kỳ đầu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam từ khi thống nhất đất nước cho đến khi bắt đầu đổi mới (1976- 1987), cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nền kinh tế kế hoạch.

Ở mỗi thời kỳ đều có chính sách quản lý đất đai khác nhau, phù hợp với tình hình lịch sử của đất nước.

Khi nước Việt Nam DCCH vừa ra đời, để giảm bớt khó khăn cho nông dân, Nhà nước và các Bộ đã ban hành một loạt các văn bản quy định giảm thuế đất, quy định về sử dụng đất, điển hình là các văn bản sau:

- Ngày 26/10/1945, Bộ Tài chính ban hành Nghị định "Miễn giảm thuế điền", theo đó giảm 20% thuế ruộng đất và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị lụt. Cùng ngày, Bộ Quốc dân kinh tế ban hành Thông tư về "Khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp".

- Ngày 15/11/1945, Bộ Quốc dân kinh tế ban hành Nghị định về "Kê khai và cho mượn đất giồng màu.

- Ngày 21/11/1945, Bộ Quốc dân kinh tế ban hành Thông tư số 577-BKT về "Phương pháp cấp tốc khuếch trương mọi việc giống màu".

- Ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 15 "Bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê".

Trong Cách mạng Tháng Tám, nước ta chủ trương tạm gác khẩu hiệu về ruộng đất. Vì vậy, quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ vẫn chưa bị đụng chạm đến. Tháng 01/1948, Hội nghị Trung ương Đảng đã xây dựng một cách hệ thống chính sách ruộng đất trong thời kỳ kháng chiến là: Triệt để thực hiện việc giảm 25% địa tô, bài trừ những thứ địa tô phụ thuộc (như tiền trình gặt, tiền đầu trâu...); bỏ chế độ quá điền; đưa ruộng đất và tài sản của bọn phản quốc tạm cấp cho dân nghèo; chia lại công điền cho hợp lý; đem ruộng đất, đồn điền của địch cấp cho dân công nghèo, chấn chỉnh các đồn điền do Chính phủ quản lý... .

- Ngày 14/7/1949, lần đầu tiên pháp luật nước ta đánh vào quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ bằng Sắc lệnh số 78/SL của Hồ Chủ tịch ấn định việc giảm địa tô 25%.

- Ngày 21/8/1949, Liên bộ Nội vụ - Tư pháp - Canh nông - Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 33-Nvll "Quy định việc sử dụng ruộng đất của người Pháp".

- Ngày 22/5/1950, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh số 88/SL quy định thể lệ lĩnh canh ruộng đất; theo đó, đảm bảo quyền được lĩnh canh của tá điền với thời hạn ít nhất là 3 năm, cấm địa chủ vô cớ đòi lại ruộng đất trong thời hạn lĩnh canh.

- Ngày 22/5/1950, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh số 90/SL quy định việc sử dụng các ruộng đất bỏ hoang.

- Ngày 05/3/1952, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 87/SL ban hành Điều lệ tạm thời sử dụng công điền công thổ. Theo đó, công điền công thổ được chia cho dân theo 3 nguyên tắc chung: Lợi cho tăng gia sản xuất, củng cố đoàn kết nông thôn, dân chủ và công bằng.

- Ngày 09/10/1952, Bộ Canh nông ban hành Thông tư số 22/CN-RĐ về việc "Tạm cấp ruộng đất của người Pháp và Việt gian".

Thực hiện mục tiêu đánh đổ giai cấp địa chủ, phong kiến, thủ tiêu chế độ tư hữu về ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân, ngày 04/12/1953, Quốc hội nước Việt Nam DCCH thông qua Luật Cải cách ruộng đất. Ngày 19/12/1953, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 179/SL ban hành Luật Cải cách ruộng đất.

Thành quả của cuộc cải cách ruộng đất là rất lớn, có thể tóm tắt như sau: Đến tháng 7/1956, công cuộc cải cách ruộng đất cơ bản đã được hoàn thành ở miền Bắc; sở hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến bị thủ tiêu, các chứng thư pháp lý cũ về ruộng đất bị huỷ bỏ; 72% số khẩu ở nông thôn được chia ruộng đất. Số ruộng đất được chia cho nông dân ở miền Bắc là 810.000 ha. Trong đó, ruộng đất của thực dân Pháp là 30.000 ha, của địa chủ là 380.000 ha, của nhà chung là 24.000 ha, ruộng công và nửa công là 375.700 ha. Sau cải cách ruộng đất, trên toàn miền Bắc chế độ sở hữu ruộng đất và bóc lột phong kiến, thực dân đã được chuyển thành chế độ sở hữu ruộng đất cá thể của nông dân.

Trong 3 năm khôi phục kinh tế sau khi lập lại hoà bình ở miền Bắc (1955-1957), Quốc hội nước ta đã ban hành một hệ thống 8 chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, trong đó có những chính sách liên quan đến ruộng đất như: khuyến khích khai hoang, phục hoá; khai hoang miễn thuế 5 năm, phục hoá miễn thuế 3 năm; phần sản phẩm tăng do tăng vụ, tăng năng suất không phải đóng thuế... .

Ngày 31/12/1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp 1959 đã xác định 4 hình thức sở hữu đất đai là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ sở hữu của nhà tư sản dân tộc.

Ngày 09/12/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 71/CP ấn định công tác quản lý ruộng đất trong bối cảnh phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành, phần lớn diện tích đất canh tác được tập thể hoá. Điều 2, Nghị định này quy định nội dung công tác quản lý ruộng đất lúc đó gồm:

+ Lập bản đồ, địa bạ về ruộng đất, thường xuyên chỉnh lý bản đồ và địa bạ cho phù hợp với các thay đổi về hình thể ruộng đất, về quyền sở hữu, sử dụng ruộng đất, về tình hình canh tác và tình hình cải tạo chất đất;

+ Thống Kế diện tích, phân loại chất đất;

Nghiên cứu, xây dựng các luật lệ, thể lệ về quản lý ruộng đất trong nông nghiệp và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các luật lệ, thể lệ ấy.

Ngày 18/11/1963, Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 168-KT/QĐ về công tác quản lý và sử dụng ruộng đất. Theo đó, để đẩy mạnh công tác quản lý và sử dụng ruộng đất, Bộ Nông nghiệp quyết định các nội dung sau: điều tra đất, quản lý đất, sử dụng đất, bảo vệ đất và chống xói mòn, cải tạo đất.

Giai đoạn này, công tác quản lý ruộng đất có nhiều buông lỏng làm cho ruộng đất bị bỏ hoang, bị lấn chiếm nhiều. Để khắc phục tình trạng này, ngày 28/6/1971, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 125-CP về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất. Tiếp theo, ngày 24/9/1974, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 234-TTg về việc tăng cường quản lý ruộng đất.

Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngày 17/6/1976, Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam ban hành Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý và sử dụng ruộng đất. Tiếp theo, ngày 20/9/1976, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 235-CT/TW về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề ruộng đất ở miền Nam. Theo đó, quy định giải quyết tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân phải trên cơ sở nguyên canh là chính.

Ngày 25/9/1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 188-CP về chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, Nhà nước quốc hữu hoá các đồn điền và ruộng đất của các tư sản nước ngoài.

Có thể nói sau khi cơ bản hoàn thành phong trào hợp tác hoá nông nghiệp (năm 1965) đến trước khi thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất (năm 1979), do cả nước bận tập trung vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nên công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, có nhiều văn bản dưới luật quy định tạm thời nhưng chưa đủ mạnh và thực sự sát sao trong khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý và sử dụng đất đai. Sau khi đất nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam cũng cải tạo nông nghiệp theo mô hình hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Bắc. Đến năm 1980, toàn miền Nam đã xây dựng được 1518 hợp tác xã (trong đó có 1005 hợp tác xã bậc cao) và 9350 tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp thời kỳ 1976-1980 của cả nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Sản lượng lương thực cả nước bình quân 5 năm chỉ đạt 13,3 triệu tấn/năm, lương thực bình quân đầu người chỉ còn 259,2 kg, năng suất lúa bình quân một Vụ chỉ đạt 20,3 tạ/ha. Hàng năm Nhà nước phải nhập thêm 1 triệu tấn lương thực....

Ngày 01/7/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước (sau đây gọi tắt là Quyết định số 201/CP năm 1980). Có thể nói, đây là văn bản pháp quy đầu tiên quy định khá chi tiết, toàn diện về công tác quản lý ruộng đất trong toàn quốc. Các nội dung cơ bản về công tác quản lý ruộng đất trong Quyết định số 201/CP năm 1980 như sau:

- Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm đảm bảo ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

- Quản lý nhà nước đối với ruộng đất bao gồm 7 nội dung sau:

1. Điều tra, khảo sát và phân bổ các loại đất;

2. Thống kê, đăng ký đất;

3. Quy hoạch sử dụng đất;

4. Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất;

5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chế độ về quản lý, sử dụng đất;

6. Giải quyết tranh chấp về đất đai;

7. Quy định các chế độ, thể lệ về quản lý việc sử dụng đất và tổ chức việc thực hiện các chế độ, thể lệ ấy.

- Toàn bộ ruộng đất được phân thành 4 loại là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng.

- Để thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất, tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đều phải khai báo chính xác và đăng ký các loại ruộng đất mình sử dụng vào sổ địa chính của Nhà nước, Uỷ ban nhân dân xã phải kiểm tra việc khai báo này. Sau khi Kê khai và đăng ký, các tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lý sử dụng hợp pháp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Việc giao đất được thực hiện theo nguyên tắc chung là phải căn cứ vào quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt; hết sức tránh việc lấy đất nông nghiệp, nhất là đất trồng cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp để dùng vào mục đích không sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Quyết định số 201/CP năm 1980 còn quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất; quy định việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chế độ về sử dụng đất; quy định việc giải quyết các tranh chấp về ruộng đất...

Ngày 10/11/1980, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 299/TTg về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước. Trong đó có nêu: "Để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ ba (1981-1985) và kế hoạch dài hạn, đồng thời để nắm chắc diện tích và chất lượng đất, xác định phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng đất, phân loại, phân hạng đất canh tác trong từng đơn vị sử dụng, thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất trong cả nước, cần tiến hành công tác đo đạc, xây dựng bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác và đăng ký thống kê sử dụng đất trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam theo từng đơn vị hành chính trong từng cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất có nhiệm vụ chấp hành đúng mọi thủ tục về đăng ký ruộng đất theo quy định của Tổng cục Quản lý ruộng đất".

Ngày 18/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua Hiến pháp 1980. Theo đó, có 4 hình thức sở hữu đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ, sở hữu của nhà tư sản dân tộc) ở Hiến pháp 1959 được gộp làm một, đó là sở hữu toàn dân (Điều 19) do Nhà nước thống nhất quản lý nên việc quản lý đất đai cần phải thay đổi theo cho phù hợp.

Trước tình hình sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc yếu kém, trì trệ ngày 13/01/1981, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp, đã mở ra một khả năng mới cho người sử dụng đất, được quyền rộng rãi hơn, gắn bó hơn và thiết thực hơn đối với ruộng đất.

Giai đoạn này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành một loạt các chỉ thị nhằm điều chỉnh các quan hệ ruộng đất của người dân vùng nông thôn như: Chỉ thị số 29-CT ngày 12/11/1983 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng, xây dựng rừng và tổ chức kinh doanh rừng theo phương thức nông - lâm kết hợp.

Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 18/01/1984 về việc khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, cho phép hộ gia đình nông dân tận dụng mọi nguồn đất đai mà hợp tác xã nông nghiệp, nông trường, lâm trường chưa sử dụng hết để đưa vào sản xuất; Nhà nước không đánh thuế sản xuất, kinh doanh đối với kinh tế gia đình, đất phục hoá được miễn thuế trong hạn 5 năm....

Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 29/01/1985 về việc củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền núi. Theo đó, hoàn thành dứt điểm việc giao đất, giao rừng đến người quản lý và sử dụng.

Như vậy, giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1987, tuy chưa có Luật đất đai nhưng đã có nhiều văn bản pháp quy để điều chỉnh các quan hệ về ruộng đất với nội dung cơ bản là ngày càng tăng cường công tác quản lý đất đai. Đồng thời cũng đã sơ khai quy định các nội dung quản lý nhà nước về đất đai./.

                                                                 Hoàng Đức Trình- Phòng 10

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,835,451
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.190.232

    Thư viện ảnh