.

Thứ bảy, 04/05/2024 -18:23 PM

Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015

 | 

Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật số 12/2017/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua nghiên cứu tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thấy có một số quy định mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễnxử lý tội phạm này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung trường hợp chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng nhưng “tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, bỏ tình tiết “hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” (Khoản 1 Điều 175 BLHS 2015), quy định này đã cụ thể hóa một số trường hợp xảy ra trên thực tế khi định giá tài sản bị thiệt hại rất thấp nhưng do BLHS 1999 chưa quy định nên không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng, nhằm tránh các trường hợp bỏ lọt tội phạm. Việc bỏ tình tiết “hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” là phù hợp vì sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng điều luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ hai, Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung mới so với BLHS 2015 về hành vi khách quan của tội phạm theo hướng giữ nguyên dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” (điểm a khoản 1 Điều 140 BLHS 1999), dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” (điểm a Khoản 1 Điều 175 BLHS 2015) được sửa đổi thành dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” (điểm a khoản 1 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14).

Thứ ba, khoản 1 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 đã xây dựng lại căn cứ “hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” (khoản 1 Điều 140 BLHS 1999) theo hướng quy định cụ thể những tội phạm mà người phạm tội trước đó đã bị kết án sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tiếp tục phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đó là “hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này”. Quy định này giúp Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tchuẩn xác trongthực tiễn.

Thứ tư, khoản 2 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 kế thừa quy định của Điều 175 BLHS 2015 về việc bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” (điểm e khoản 2 Điều 140 BLHS 1999), việc loại bỏ tình tiết này là phù hợp bởi căn cứ xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” trong thực tế áp dụng rất khó khăn, mặc dù đã có hướng dẫn tại tiểu mục a mục 3.4 phần I Thông tư 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001. Đồng thời, tại Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung điểm b khoản 2 Điều 175 với tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” để định khung hình phạt tăng nặng, đây là quy định hợp lý và cần thiết nhằm răn đe, trừng trị đối với những người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; bổ sung điểm e khoản 2 Điều 175 với tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Thứ năm, khoản 3 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” (điểm b khoản 3 Điều 140 BLHS 1999), bỏ tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm b Khoản 3 Điều 175 BLHS 2015).

Thứ sáu, khoản 4 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (điểm b khoản 4 Điều 140 BLHS 1999) và chỉ quy định tình tiết định lượng giá trị tài sản bị thiệt hại “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Thứ bảy, khoản 5 Điều 140 BLHS 1999 quy định hình phạt “bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” có thể được áp dụng đồng thời với hình phạt “bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, tức là người phạm tội có thể vừa bị “mất tài sản” lại vừa bị “mất công việc”, nhưng theo khoản 5 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14, thì chỉ được áp dụng một trong hai hình phạt bổ sung này, như vậy thể hiện tính chất nhân đạo hơn với người phạm tội.

Thứ tám, Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 có thay đổi trong hình phạt chính và hình phạt bổ sung ở khoản 1, khoản 3, khoản 4 so với BLHS 1999, cụ thể: tại khoản 1 nâng mức hình phạt tù tối thiểu từ “ba tháng” lên “sáu tháng”; tại khoản 3 giảm hình phạt tù “từ bảy năm đến mười lăm năm” xuống còn “từ năm năm đến mười hai năm”; tại khoản 4 giảm mức hình phạt tù “từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc chung thân” xuống còn “từ mười hai năm đến hai mươi năm” và bỏ hình phạt chung thân.

Thứ chín, về khung hình phạt, khoản 2 Điều 140 BLHS 1999 quy định mức hình phạt “từ hai năm đến bảy năm” không có khoảng giao thoa với khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 quy định mức hình phạt “từ bảy năm đến mười lăm năm”. Còn khoản 2 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 quy định mức hình phạt “từ hai năm đến bảy năm” có khoảng giao thoa với khoản 3 Điều 175 Luật số 12/2017/QH14 quy định mức hình phạt “từ năm năm đến mười hai năm”./.

                   Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,834,286
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.47.221

    Thư viện ảnh