1. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ (Điều 252)
Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các 6 hoạt độngsau:
(1) Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
(2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
(3) Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;
(4) Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
(5) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;
(6) Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Trước đây Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không có quy định này nên khi thấy cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ để đảm bảo việc giải quyết vụ án đầy đủ, chính xác đúng quy định của pháp luật, Tòa án sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung dẫn đến tình trạng trả hồ sơ xảy ra nhiều trong khi nhiều vụ án chỉ cần Tòa án ra văn bản yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ hoặc Tòa án tự mình xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung là đảm bảo việc xét xử được vụ án, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ về vấn đề này nhằm hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối với Viện kiểm sát: Theo quy định tại Điều 284 thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bổ sung, Viện kiểm sát phải gửi cho Tòa án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung, nếu Viện kiểm sát không đáp ứng được yêu cầu thì Tòa án cũng không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà có thể tự mình bổ sung và tiến hành xét xử vụ án.
Riêng đối với việc Tòa án tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, trước đây mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chưa có quy định nhưng thực tế xét xử Tòa án cũng đã tiếp nhận tài liệu, chứng cứ, đồ vật có liên quan đến vụ án tại phiên tòa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn về vấn đề này và đặc biệt là quy định Tòa án chuyển giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét và trả lại cho Tòa án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được (Điều 253);
2. Về phiên dịch tại phiên tòa (Điều 263và Điều 295)
Tại phiên tòa người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt, là người câm, điếc thì người phiên dịch phải dịch cho họ nghe, hiểu lời trình bày, các câu hỏi, câu trả lời tại phiên tòa, nội dung quyết định của Hội đồng xét xử và các vấn đề khác có liên quan đến họ. Người phiên dịch phải dịch lời trình bày, câu hỏi, câu trả lời của những người quy định tại khoản 1 Điều này ra tiếng Việt cho Hội đồng xét xử và người tham gia phiên tòa cùng nghe(Điều 263);
Trường hợp người phiên dịch vắng mặt tại phiền tòa mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (Điều 295);
Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã có quy định về người phiên dịch có thể tham gia phiên tòa nhưng chưa quy định rõ ràng và cụ thể như Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định về sự có mặt của người phiên dịch tại phiên tòa và do đó họ có mặt hay không có mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử nhưng Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ về sự có mặt của họ nếu họ vắng mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
3. Về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án (Điều 276)
Khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có),Tòa ánphải kiểm tra và xử lý, nếu đầy đủ thì nhận hồ sơ vụ án; nếu không đầy đủ thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứnghoặc yêu cầu Viện kiểm sát giao bản Cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 không có quy định cụ thể về hoạt động này, nay đã được quy định rõ, đặc biệt là việc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án, việc phân công này được thực hiện bằng văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng mẫu quy định tại Nghị quyết số 05 ngày 19/9/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
4. Về trình tự và trách nhiệm xét hỏi (Điều 307)
Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc định giá tài sản.
Trước đây, thứ tự xét hỏi được quy định là: Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm đồng thời nhằm tăng sự chủ động của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong việc điều hành việc hỏi theo thứ tự hợp lý phù hợp với từng vụ án nên Bộ luât tố tụng hình sự 2015 đã quy định khi xét hỏi từng người Chủ tọa phiên tòa hỏi trước còn sau đó là ai hỏi là quyền của Chủ tọa. Với sự đổi mới này, trách nhiệm xét hỏi của Kiểm sát viên có thể sẽ cao hơn.
5. Về quyền hỏi của bị cáo (các Điều 309, 310 và 311)
Bổ sung cho bị cáo quyền được trực tiếp đặt câu hỏi với các bị cáo khác, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng nếu được Chủ tọa đồng ý thay vì đề nghị Chủ tọa hỏi.
Đây là điểm mới hoàn toàn vì trước đây bị cáo không có quyền hỏi, nay để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội, nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý thì bị cáo được quyền hỏi.
6. Về nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 313)
Trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi có bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định cho việc nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa.
7. Về sự có mặt của Điều tra viên và những người khác tại phiên tòa (Điều 296):
Trong quá trình xét xử khi thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định nội dung này.
Đặng Bá Hưng- VKSND huyện Sơn Động