“Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” được quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Biện pháp ngăn chặn này thay thế cho việc “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” theo Điều 81 Bộ luật tố tung hình sự năm 2003. Căn cứ để áp dụng biện pháp này có một số quy định mới so với biện pháp “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” đó là:
Thứ nhất, căn cứ để áp dụng “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” ngoài người bị hại, người chứng kiến tội phạm xảy ra thì còn các căn cứ khác để áp dụng, là sự xác nhận của “người cùng thực hiện tội phạm”, phát hiện dấu vết tội phạm tại “nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm” (điểm b, c khoản 1 Điều 110).
Thứ hai, về chủ thể có thẩm quyền áp dụng: Ngoài Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu bển đã rời khỏi sân bay, bến cảng thì còn có các chủ thể khác là những người đứng đầu một số đơn vị trực thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư (những người thuộc chức danh được kiệt kê trong điểm b khoản 2 Điều 110).
Thứ ba, về trình tự, thủ tục: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nội dung của lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp; về hồ sơ kèm theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; về nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay, tàu biển giao người bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp cho Cơ quan điều tra tại sân bay, bến cảng đầu tiên tàu trở về.
Trong thời hạn 12 giờ kế từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và những người có thẩm quyền phải thực hiện lấy lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; nếu thấy có căn cứ thì ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn.
Hồ sơ đề nghị phê chuẩn bao gồm: Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh; lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp; lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; quyết định tạm giữ; biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp; biên bản ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nếu không thấy có đủ căn cứ thì phải trả tự do ngay cho người bị giữ. Thời hạn này so với “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” quy định tại Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã được rút ngắn một nửa.
Thứ tư, trường hợp Viện kiểm sát thấy cần thiết phải gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp để xem xét, quyết định phê chuẩn lệnh bắt thì biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ hơn khi Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh đó và Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ./.
Lê Đình Tuấn- VKSND huyện Tân Yên