Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (gọi tắt là Bộ LTTDS), đã bổ sung quy định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn gồm 09 điều (từ Điều 316 đến Điều 324). Đây được coi là một trong những giải pháp nằm trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.
Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn nhằm giải quyết vụ án được nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật đối với những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu chứng cứ đầy đủ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng, không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản;
Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn góp phần kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên đương sự; tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho các đương sự cũng như của Nhà nước, đáp ứng và phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đặc biệt, thủ tục rút gọn được áp dụng cả ở Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm. Đây được coi là bước tiến lớn trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện Bộ LTTDS, nhận thấy có một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Hiểu thế nào là vụ án có tình tiết đơn giản đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể mà chủ yếu phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán, điều này dẫn đến việc áp dụng hay không phụ thuộc vào việc đáng giá tính chất vụ án của Thẩm phán mà chưa có cơ chế giàng buộc cụ thể nhằm phát huy tối đa mục đích của quy định.
Thứ hai: Việc kiểm sát vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn hay không chỉ phụ thuộc duy nhất vào Thông báo thụ lý vụ án, mà căn cứ vào Thông báo này chỉ xác định được quan hệ tranh chấp, yêu cầu của đương sự, một số tài liệu chứng cứ ban đầu, không nắm được nội dung vụ án thông qua lời khai của đương sự do đó rất khó khăn trong việc kiểm sát việc giải vụ án có đủ hay không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để thực hiện quyền yêu cầu.
Thứ ba: Thủ tục rút gọn phần nào góp phần giảm áp lực công việc cho cán bộ ngành Toà án, nâng cao hiệu quả trong công tác xét xử khi mà số lượng các vụ án tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình ngày một gia tăng. Nhưng, chính vì cho rằng vụ việc tranh chấp đơn giản nên Thẩm phán chủ quan, có tâm lý “chưa cần thiết” để giải quyết sau, dành thời gian nghiên cứu cho những vụ phức tạp hơn. Vì lẽ đó, mặc dù biết vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhưng Thẩm phán không áp dụng. Ngoài ra, còn có yếu tố khách quan khác là, nội dung này mới, trình tự thủ tục mới, mẫu quyết định mới nên khi giải quyết vụ án Thẩm phán không áp dụng thủ tục rút gọn.
Thực tiễn cho thấy, khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát nghiên cứu trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ LTTDS, thì Viện kiểm sát mới phát hiện ra vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhưng Thẩm phán không áp dụng, thời điểm phát hiện đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử 01 tháng so với quy định tại Điều 318 Bộ LTTDS.
Mặt khác, như đã nói ở trên, Bộ LTTDS không quy định việc áp dụng giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là bắt buộc nếu vụ án có đủ các điều kiện theo quy định nên Viện kiểm sát cũng không có căn cứ kiến nghị vi phạm và yêu cầu Tòa án áp dụng. Điều 319 Bộ LTTDS chỉ quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định”. Như vậy, có thể hiểu Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị trong trường hợp đã áp dụng thủ tục rút gọn mà không đủ điều kiện chứ không quy định về quyền kiến nghị trong trường hợp đủ điều kiện nhưng không áp dụng.
Như vậy, phải khẳng định, quy định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là chủ trương đúng đắn nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, kịp thời bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thể hiện nỗ lực cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình mới. Tuy nhiên, do chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng thủ tục rút gọn nên chưa đem lại hiệu quả trong thực tiễn cần phải có hướng dẫn để luật đi vào cuộc sống./.
Đặng Minh Hà- VKSND huyện Lạng Giang