Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có giải thích từ ngữ. Trong đó, khái niệm “người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” cũng lần đầu tiên được đề cập và đưa vào luật.
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 thì người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm:
- Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;
- Cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Như vậy, có tổng số 27 diện người được coi là “người thân thích” của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và trong những trường hợp cụ thể, nếu có quan hệ “thân thích” với một trong số người trên thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải từ chối hoặc bị đề nghị thay đổi khi tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.
Vấn đề đặt ra là, việc chứng minh mối quan hệ “thân thích” của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của cơ quan nào? thời điểm chứng minh từ bao giờ? cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận mối quan hệ thân thích? nếu hoạt động tố tụng có vi phạm thì giải quyết ra sao?... trong khi Điều 85 BLTTHS 2015 chỉ quy định, một trong những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự là “chứng minh đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt”, không bắt buộc phải chứng minh đặc điểm về nhân thân của các diện người tham gia tố tụng khác cũng như của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể.
Sau đây là một số vấn đề liên quan đến khái niệm “người thân thích” của BLTTHS năm 2015:
1. Các trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi có liên quan đến khái niệm “người thân thích”:
Trường hợp thứ nhất, đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu “... là người thân thích của bị hại, đương sự hoặc bị can, bị cáo”;
Trường hợp thứ hai, đối với người chứng kiến: Những người là người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì không được làm người chứng kiến;
Trường hợp thứ ba, đối với người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng nếu “... là người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo”;
Trường hợp thứ tư, đối với người bào chữa, BLTTHS 2015 cũng quy định người thân thích của người đã và đang tiến hành tố tụng đối với vụ án đó cũng không được bào chữa.
2. Một số vấn đề trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến việc xác định mối quan hệ thân thích
Đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Trong mỗi vụ án, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc CQĐT, VKS luôn được xác định ngay từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận được tố giác, tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và tiếp tục được xác nhận trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ việc, vụ án đó trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Như vậy, để đảm bảo đúng quy định, trong từng trường hợp, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án theo từng giai đoạn tố tụng phải có trách nhiệm xác định mối quan hệ của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với người bị hại, đương sự hoặc bị can, bị cáo để họ chủ động từ chối hoặc thay đổi. Thực tiễn cho thấy, trong một vụ án, ở mỗi giai đoạn tố tụng, thường được phân công nhiều người tiến hành tố tụng khác nhau, các mối quan hệ của người tham gia tố tụng cũng nhiều nên việc xác minh là rất khó khăn.
Đối với người chứng kiến: Người tham gia tố tụng là người chứng kiến cũng thường được xác định ngay từ khi có tội phạm xảy ra và trong quá tình điều tra, truy tố. BLTTHS 2015 quy định, khi tiến hành các hoạt động tố tụng, có rất nhiều hoạt động bắt buộc phải có người chứng kiến như bắt, khám xét, khám nghiệm, thực nghiệm, thu giữ vật chứng... Vậy, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tìm hiểu, xác minh mối quan hệ của những người này với người bị buộc tội (nếu đã xác định được) trước khi mời họ làm người chứng kiến. Khó khăn trong trường hợp này là, đối với các vụ việc chưa xác định được người bị buộc tội thì việc lựa chọn người chứng kiến để mời họ tham gia phải thực hiện thế nào để tránh vi phạm.
Thực tế là, khi thực hiện một số hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường mời đại diện gia đình của người bị buộc tội làm người chứng kiến (khám nghiệm hiện trường, từ thi, phương tiện...). Việc mời đại diện gia đình của người bị buộc tội làm người chứng kiến trong một số trường hợp sẽ đảm bảo tính khách quan hơn rất nhiều do quyền lợi của họ có liên quan đến nhau, tránh được việc khiếu nại (nếu có) đối với những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đối với người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật:Hiện nay, việc giám định tài liệu, đồ vật và việc định giá tài sản là hoạt động thường xuyên, được thực hiện trong rất nhiều vụ việc, vụ án. Hoạt động giám định chỉ có từ cấp tỉnh trở lên và ở mỗi lĩnh vực cũng không có nhiều giám định viên để lựa chọn, trong khi số vụ việc cần giám định ngày càng tăng.
Đối với người định giá tài sản cũng vậy, mỗi huyện cũng chỉ có từ 1-2 cán bộ thuộc các cơ quan tài chính, kinh tế hạ tầng, tài nguyên môi trường có chuyên môn về giá, xây dựng, đất đai và được là thành viên của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự; đa số họ đều là người địa phương, có mối quan hệ họ hàng chằng chịt nên rất khó để xác định họ có là người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo hay không?.
Đối với người bào chữa: Đây là trường hợp dễ xác định hơn cả vì chỉ cần xác định mối quan của người bào chữa và những người đã và đang tiến hành tố tụng đối với vụ án đó, điều này có thể đã được thể hiện trong hồ sơ vụ án; mặt khác, mối quan hệ thân thích trong trường hợp này không nhiều và cũng ít xảy ra trên thực tế; bản thân người bào chữa cũng xác định rất rõ điều này để chủ động từ chối, chưa kể những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác cũng dễ nhận biết mối quan hệ đó để thực hiện quyền đề nghị thay đổi (nếu có).
Như vậy, việc xác định mối quan hệ thân thích của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để có căn cứ từ chối hoặc đề nghị thay đổi trong các trường hợp nêu trên là rất khó khăn và từ trước đến nay, vấn đề này cũng chưa được quan tâm triển khai thực hiện.
Nghiên cứu các quy định của BLTTHS 2015 thấy: Một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS là bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, theo đó, tại Điều 21 quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ; Điều 17 quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án; khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015 quy định “những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Với các quy định như trên, rõ ràng, nếu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thuộc các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi nhưng vẫn tiến hành hoặc tham gia tố tụng đối với vụ việc, vụ án là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015; các hoạt động tố tụng mà họ đã tiến hành hoặc tham gia có thể được đánh giá là không vô tư, khách quan dẫn đến việc gải quyết vụ án có thể sẽ thiếu chính xác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không thể từ chối hoặc không bị đề nghị thay đổi hoàn toàn là do khách quan trong khi họ đã tham giavào các hoạt động tố tụng này rồi, trong một số trường hợp, hoạt động tố tụng đó không thể thực hiện lại được và các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải lấy đó làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, các ngành tư pháp Trung ương cần sớm có hướng dẫn để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện việc bắt buộc phải thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến đặc điểm nhân thân của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mỗi khi được phân công tiến hành tố tụng hoặc tham gia vào các quan hệ tố tụng hình sự trong một vụ việc, vụ án hình sự cụ thể. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm túc việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, nhất là những người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự và đại diện của họ để họ thực hiện đầy đủ quyền của mình, nhằm giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật./.
Nguyễn Trường Thọ- VKSND huyện Lạng Giang