.

Thứ sáu, 03/05/2024 -16:47 PM

Một số ý kiến trao đổi về tạm ngừng phiên tòa hình sự

 | 

Tạm ngừng phiên tòa là một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sau đây chúng tôi đưa ra một số ý kiến về quy định này và những vướng mắc khi áp dụng trên thực tiễn

Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tạm ngừng phiên tòa:

1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.

2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa.Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục.Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.”

Thứ nhất, về lý do quy định điểm mới này: Xuất phát từ thực tiễn xét xử là sau khi phiên tòa đã diễn ra một thời gian và đã trải qua một số thủ tục tố tụng tại phiên tòa thì phát sinh các trường hợp nêu trên gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử và theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Hội đồng xét xử sẽ xem xét quyết định hoãn phiên tòa, dẫn đến việc xét xử vụ án lại được tiến hành ở một phiên tòa mới với mọi thủ tục được thực hiện lại từ đầu. Điều này gây trùng lặp và mất thời gian, trong khi đó chỉ cần tạm ngừng để đợi giải quyết xong các tình huống gây ảnh hưởng tới phiên tòa thì phiên tòa sẽ được tiếp tục không phải làm lại các thủ tục tố tụng đã tiến hành. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã đưa quy định mới về Tạm ngừng phiên tòa để đảm bảo cho hoạt động xét xử được khoa học và hiệu quả hơn.

Thứ hai, So sánh Tạm ngừng phiên tòa với Hoãn phiên tòa:

Tạm ngừng phiên tòa với Hoãn phiên tòa giống nhau ở đặc điểm là khi tiến hành hoạt động xét xử tại phiên tòa phát sinh các sự kiện pháp lý gây ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án đòi hỏi phải giải quyết xong các sự kiện pháp lý gây ảnh hưởng đó mới có thể xét xử vụ án được.

Tạm ngừng phiên tòa và Hoãn phiên tòa khác nhau ở 3 điểm chính sau: (1) Khác nhau về căn cứ pháp lý: Tạm ngừng phiên tòa quy định ở điều 251, còn Hoãn phiên tòa quy định ở điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và tại các điều luật này căn cứ để Tạm ngừng phiên tòa khác với căn cứ để hoãn phiên tòa (Cần giám định bổ sung, giám định lại, caand định giá tài sản, định giá lại…); (2) Khác nhau về Thời hạn: Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày ra quyết định, còn thời hạn Hoãn phiên tòa không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định; (3) Khác nhau về hậu quả: Sau khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử được tiếp tục, trừ trường hợp phải hoãn phiên tòa, còn sau khi hết thời hạn hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu, trừ trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thứ ba, Tránh nhầm lẫn giữa quy định tại điểm b khoản 1 điều 251 và Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Tại điểm b khoản 1 điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tình huống người tham gia tố tụng vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa thì có thể quyết định tạm ngừng phiên tòa

Còn Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trong quá trình tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa mà có người tham gia tố tụng vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia tố tụng nhưng họ vẫn có mặt tại phiên tòa thì Chủ tọa phải hỏi ý kiến mọi người để xem xét quyết định việc có hoãn phiên tòa hay không.

Điều này có nghĩa là không xem xét quyết định Tạm ngừng phiên tòa khi có người tham gia tố tụng vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia tố tụng nhưng họ vẫn có mặt tại phiên tòa.

Thứ tư, Vướng mắc khi gặp tình huống Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa:

Tại khoản 1 điều 288 (Xét xử sơ thẩm) và tại khoản 1 điều 349 (Xét xử phúc thẩm) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đều có quy định “Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án”. Do đó, nếu gặp tình huống đến thời điểm mở phiên tòa mà vắng mặt Thư ký Tòa án thì Phiên tòa sẽ không được tiến hành. Nhưng tại điểm c khoản 1 điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc có thể Tạm ngừng phiên tòa khi Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa. Như vậy, là các quy định này gây khó hiểu vì trong tình huống này phiên tòa chưa diễn ra, chưa được tiến hành mà lại xem xét quyết định Tạm ngừng phiên tòa?

Thứ năm, Tòa án có vi phạm tố tụng hay không khi gặp tình huống tạm ngừng phiên tòa nhưng lại quyết định hoãn phiên tòa?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi đang xét xử một vụ án hình sự sơ thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy  cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa thì có thể quyết định Tạm ngừng phiên tòa. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 1 điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Tòa án hoãn phiên tòa nếu thấy cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa. Quy định này không nêu rõ việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật có thể được thực hiện trong thời hạn bao lâu. Do đó, nếu gặp tình huống quy định tại điểm a khoản 1 điều 251 nêu trên thì thay vì quyết định tạm ngừng phiên tòa, Hội đồng xét xử lại áp dụng điểm b, khoản 1 điều 297 để quyết định Hoãn phiên tòa, việc làm này của Tòa án có vi phạm tố tụng hay không?

Thứ 6, Tạm ngừng phiên tòa hay tạm hoãn phiên tòa khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là  Kiểm sát viên không thể tiếp tục tham gia phiên tòa:

Trường hợp này Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1 điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để quyết định Tạm ngừng phiên tòa hay căn cứ khoản 2 điều 289, điểm a khoản 1 điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để ra quyết định Hoãn phiên tòa?

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn các quý vị độc giả cùng nghiên cứu, trao đổi và viết bài phản hồi.

                              Đặng Bá Hưng- VKSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,824,480
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.81.94

    Thư viện ảnh