.

Thứ sáu, 03/05/2024 -18:10 PM

Nghiên cứu Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015: cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng

 | 

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Chương III; người tham gia tố tụng được quy định tại Chương IV, V của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Sau đây là một số vấn đề cần lưu ý về các nội dung này:

1. Về khái niệm:

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng (CQĐT, VKS, TA) và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS.

Mở rộng thêm các cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như các cơ quan của lực lượng cảnh sát biển, của lực lượng Kiểm ngư, các cơ quan của Công an, Quân đội và các lãnh đạo của các cơ quan này như đoàn đặc nhiệm, đội nghiệp vụ của cảnh sát biển, chi cục kiểm ngư ...

BLTTHS 2015 bổ sung thêm 03 diện người được coi là người tiến hành tố tụng gồm Cán bộ điều tra (thuộc CQĐT); Kiểm tra viên (thuộc VKS) và Thẩm tra viên (thuộc TA). Nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra  và Kiểm tra viên là ghi biên bản do ĐTV, KSV tiến hành tố tụng; thực hiện việc thông báo, cấp, tống đạt, giao.. các văn bản tố tụng; lập hồ sơ vụ việc, vụ án và các hoạt động tố tụng khác. Thẩm tra viên lại có nhiệm vụ là thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; giúp Chánh án thực hiện nhiệm về công tác thi hành án và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án.

2. Về thẩm quyền của một số người tiến hành tố tụng

Thủ trưởng CQĐT: Có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều ra của cơ quan điều tra. Quá trình chỉ đạo được thực hiện nhiều hoạt động tố tụng như khởi tố, bổ sung, thay đổi các quyết định khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, đình chỉ, tạm đình chỉ, đề nghị truy tố...;

Viện trưởng VKS: Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Quy định rõ hơn về các quyền nhập, tách vụ án hình sự; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ; áp dụng biện pháp cưỡng chế; bổ sung quyền tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm...;

Chánh án: Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử; có quyền ra các quyết định liên quan đến việc xét xử; quyết định, hủy bỏ việc áp dụng thủ tục rút gọn...

Phó thủ trưởng CQĐT, Phó viện trưởng, Phó chánh án: được thực hiện các quyền của cấp trưởng khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án, trừ việc hủy bỏ quyết định trái pháp luật của mình; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của chính mình; Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan tiến hành tố tụng không được ủy quyền cho ĐTV, KSV, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

Điều tra viên: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cụ thể hơn để thực hiện các quyết định của lãnh đạo CQĐT; bổ sung các quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa, quyết định áp giải người bị giữ trong trường khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; quyết định dẫn giải người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị hại...

Đối với người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra: Được quyền thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu để xác minh nguồn tin về tội phạm để có căn cứ khởi tố vụ án; chỉ đối với những tội ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì có một số người có thẩm quyền được khởi tố bị can và kết luận điều tra đề nghị truy tố.

Kiểm sát viên: Điều 42 đã liệt kê đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn và có một số điểm mới đó là yêu cầu CQĐT truy nã, đình nã; quyết định áp giải người bị bắt, bị can; dẫn giải người làm chứng, bị hại, người bị tố giác,bị kiến nghị khởi tố; yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (đây là quyền duy nhất mà chỉ Kiểm sát viên mới có); yêu cầu cử hoặc thay đổi người bào chữa, người phiên dịch, dịch thuật;

Thẩm phán: Bổ sung thêm nhiều quyền cho Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa như áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, quyết định trưng cầu giám định; yêu cầu, đề nghị cử, thay đổi người bào chữa, người giám định, người định giá tài sản...

3. Về thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:

Những người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm Kiểm sát viên, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn,bị đơn dân sự và đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

4. Về người tham gia tố tụng

Tổng số có 20 diện người tham gia tố tụng, trong đó có bổ sung thêm 08 diện người tham gia tố tụngmới. Quyền của một số người tham gia tố tụng cần lưu ý là: 

- Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Có quyền yêu cầu giữ bí mật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe...của họ và của người thân thích khi bị đe dọa; được thông báo kết quả giải quyết và được khiếu nại hành vi, quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền THTT trong việc tiếp nhận tin báo

- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: Có quyền được thông báo về hành vi bị tố giác, thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ,đưa ra tài liệu, đồ vật và yêu cầu ngườicó thẩm quyềnTHTT đánh giá, kiểm tra;tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền lợi của mình; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng...;

- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp: Được nhận các lệnh, quyết định; được biết lý do mình bị giữ; được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; không buộc phải đưa ra tài liệu chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội; đưa ra ý kiến, tài liệu và yêu cầu người có thẩm quyền THTT kiểm tra, đánh giá;

- Người chứng kiến: Là người được mời chứng kiến việc tiến hành các hoạt động tố tụng và xác nhận kết quả; những người thân thích của người bị buộc tội và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được làm người chứng kiến; ngưới chứng kiến có quyền yêu cầu người có thẩm quyền THTT tuân thủ quy định của pháp luật, xem biên bản tố tụng và đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến và được thanh toán chi phí theo quy định;

- Người định giá tài sản: Đây là quy định mới. Là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực định giá được người THTT, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá; có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu định giá; từ chối yêu cầu định giá nếu không đủ thời gian, tài liệu hoặc vượt quá phạm vi hiểu biết;

- Người dịch thuật: Đây là quy định mới để bảo đảm các tài liệu được dịch thuật trở thành chứng cứ trong tố tụng hình sự (bao gồm dịch chữ viết, ký hiệu...)

- Người bào chữa: Là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền THTT chỉ định và tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Lưu ý quyền của người bào chữa là gặp, hỏi người bị buộc tội (người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo); có quyền có mặt khi lấy lời khai, hỏi cung; nếu người có thẩm quyền lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì có quyền hỏi. Đặc biệt, sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế; đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng; đề nghị triệu tập người THTT và người tham gia tố tụng khác; đề nghị, yêu cầu cơ quan THTT thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ...

- Bào chữa viên nhân dân là người đủ 18 tuổi trở lên, có đạo đức, có kiến thức pháp lý được MTTQ hoặc các tổ chức thành viên của mặt trận cử tham gia báo chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình;

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình; có quyền kiểm tra, đánh giá về chứng cứ và yêu cầu người có thẩm quyền THTT kiểm tra, đánh giá; có mặt khi CQĐT lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói mà mình bảo vệ; đề nghị thay đổi người THTT, người giám định, định giá;

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố: Đây là quy định mới. Là người được người bị tố giác nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; có thể là Luật sư, người đại diện; quyền có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác; nếu được ĐTV, KSV đồng ý thì được hỏi và sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì có quyền hỏi người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

- Đối với bị can: Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến buộc tội, gỡ tội hoặc liên quan đến việc bào chữakể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Đây là nội dung mới, đòi hỏi Điều tra viên phải giải thích và ghi nhận quan điểm của bị can về vấn đề này khi giao kết luận điều tra hoặc trước khi kết thúc điều tra.

5. Về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng:

Như vậy, quyền của người tham gia tố tụng đã được BLTTHS 2015 quy định rất rõ, trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền THTT làphảithông báo, giải thích và bảo đảmthực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng;việc thông báo, giải thích phải được ghi nhận bằng biên bản; trong trường hợp họ có quyền được nhận các quyết định, văn bản tố tụng, tài liệu, chứng cứ... thì phải bảo đảm đúng thời hạn để người tham gia tố tụng thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị hoặc khiếu nại của mình theo quy định. Đây là đòi hỏi nghiệp vụ rất chặt chẽ mà cơ quan người có thẩm quyền THTT phải lưu ý thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp./.

                                                 Đặng Minh Hà- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,824,735
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.111.125

    Thư viện ảnh