Để đáp ứng nhu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong quy định về yếu tố định tội của tội “Trộm cắp tài sản”, khắc phục được những hạn chế của Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Qua nghiên cứu quy định về tội “Trộm cắp tài sản” tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) và Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tôi xin đưa ra một vài ý kiến phân tích về các điểm mới trong quy định về tội “Tội trộm cắp tài sản” như sau:
1. So sánh quy định của Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Trộm cắp tài sản”
- Tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vẫn giữ nguyên mức hình phạt bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nhưng đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các yếu tố định tội trong trường hợp tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng. Cụ thể:
Tình tiết định tội “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” được nêu rõ tại điểm a Khoản 1 Điều 173 là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”.
Tình tiết “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” đã được sửa đổi theo hướng liệt kê cụ thể các điều luật tại điểm b Khoản 1 Điều 173 là “đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” đã được thay thế bằng quy định cụ thể “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại điểm c Khoản 1 Điều 173.
Bổ sung thêm các tình tiết“tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” và“tài sản là di vật, cổ vật” quy định tại điểm d và đ Khoản 1 Điều 173.
- Tại Khoản 2 Điều 173 vẫn giữ nguyên mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù, đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả nghiêm trọng” và thay bằng tình tiết “tài sản là bảo vật quốc gia” quy định tại điểm e.
- Tại Khoản 3 Điều 173 vẫn giữ nguyên mức hình phạt 07 năm đến 15 năm tù đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và thay bằng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”quy định tại điểm b.
- Tại Khoản 4 Điều 173 đã bỏ hình phạt tù chung thân, chỉ quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm. Đồng thời đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và thay bằng tình tiết “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”quy định tại điểm b.
- Khoản 5 Điều 173 vẫn giữ nguyên quy định về hình phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Như vậy, các tình tiết định tội, định khung “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đã được thay thế bằng những quy định cụ thể, tránh việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất.
2. Xác định tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”
Để xác định tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” trước hết phải tìm hiểu quy định về tài sản tại Bộ luật dân sự 2015. So với Bộ luật dân sự 2005 thì Bộ luật dân sự 2015 cũng đã có những sửa đổitrong quy định về tài sản.NếuĐiều 163 Bộ luật dân sự 2005 không đưa ra định nghĩa về tài sản mà chỉ quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” thì tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra định nghĩa “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Điều luật này cũng phân loại “tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về tài sản, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đặc điểm nổi bật của tội “Trộm cắp tài sản” là người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lén lút (bí mật). Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc tài sản họ được giao quản lý. Tính chất lén lút (bí mật) của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội giấu diếm hành vi phạm tội của mình. Do đó, không phải mọi loại tài sản như quy định của Bộ luật dân sự 2015 đều là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải có những đặc điểm nhất định, đó phải là tài sản có chủ sở hữu hoặc đang có sự quản lý, phải được thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể, hữu hình, có giá trị và giá trị sử dụng. Có thể phân định như sau:
- Tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”:
Tài sản được xác định là đối tượng của tội “Trộm cắp tài sản” phải nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Về mặt vật lý, tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” phải là một dạng vật chất cụ thể, tồn tại hữu hình, có thể nhìn thấy được và dịch chuyển được, bao gồm:
+ Là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.
+ Là tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, kể cả tài sản do chiếm hữu không hợp pháp như: tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…
+ Là tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng.
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình.
+ Tài sản là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
- Tài sản không phải là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”:
+ "Quyền tài sản" mặc dù trị giá được bằng tiền không phải là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” do đây là một dạng tài sản vô hình, không nhìn thấy được, nó gắn liền với quyền nhân thân và cố định với một chủ thể cụ thể được pháp luật công nhận. Do đó, nó không thể bị dịch chuyển trái phép, bị chiếm đoạt bởi người khác được.
+ Tài sản là “bất động sản” cũng không phải là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” do nó có tính chất vật lý cố định, không thể dịch chuyển được như: đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai... Tuy nhiên, có một số động sản mà pháp luật dân sự quy định là bất động sản do công dụng của nó (tài sản gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng) như: cánh cửa gắn với ngôi nhà; cây cối trồng trên vườn… thì vẫn là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”.
+ Những tài sản tuy là động sản, nhưng cũng không thuộc đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” như:
Tài sản vô chủ, do đây loại tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Khi không xác định được chủ sở hữu thì không thể có căn cứ chứng minh có sự xâm phạm quyền sở hữu hay chiếm đoạt trái phép.
Tài sản bị rơi, bị bỏ quên, thất lạc đây là những loại tài sản mà chủ sở hữu mất quyền trực tiếp nắm giữ, quản lý ngoài ý chí của mình.
+ Những tài sản không thuộc sở hữu của một chủ thể cụ thể và không có giá trị nếu không được khai thác, sử dụng như: nước biển, gió trời, không khí…
+ Những giấy tờ có giá trị nhưng không trực tiếp chuyển thành tiền được. Ví dụ như: Sổ tiết kiệm, hợp đồng mua bán, giấy nợ…
+ Tài sản thuộc các loại có tính chất và công dụng đặc biệt. Ví dụ như: vũ khí quân dụng, ma tuý, hàng cấm, máy bay, tàu thuỷ… Nếu người phạm tội trộm cắp những loại tài sản này thì tuỳ trường hợp cụ thể mà có thể phạm phải những tội phạm khác như: Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; tội chiếm đoạt chất ma tuý…
+ Theo Bộ luật dân sự 2015, bất động sản và động sản có thể là tài sản hình thành trong tương lai. Đây cũng không phải đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” do chưa có sự hiện hữu thực tế, không thể thực hiện hành vi chiếm đoạt khi chưa có sự tồn tại của tài sản, cũng không thể xác định chủ sở hữu đối với tài sản này.
Như vậy, để xác định tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”, Cơ quan tiến hành tố tụng bên cạnh việc nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan còn cần căn cứ vào các điều kiện cụ thể trong từng trường hợp. Ví dụ: muốn xác định tài sản là di vật, cổ vật cần căn cứ vào các quy định của Luật Di sản văn hóa; việc xác định tài sản trộm cắp là phương tiện sống chính của người bị hại và gia đình thì tài sản đó phải là tài sản đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa, phương tiện mưu sinh duy nhất của người bị hại và gia đình mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình lâm vào tình trạng khó khăn…
Trên đây là một vài ý kiến phân tích về các điểm mới trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Trộm cắp tài sản”. Rất mong giúp ích được cho các đồng nghiệp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự
Nguyễn Thùy Trang- VKSND huyện Việt Yên