Thủ tục rút gọn được quy định tại Chương XXXI của BLTTHS năm 2015 gồm 11 Điều, tăng 7 Điều so với BLTTHS năm 2003 và có nhiều nội dung mới cơ bản cần chú ý khi áp dụng trên thực tiễn như sau.
- Về phạm vi áp dụng:
Điều 455 quy định mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong cả thủ tục xét xử phúc thẩm. BLTTHS năm 2003 chỉ áp dụng thủ tục này ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.
- Về điều kiện áp dụng:
Khoản 1 Điều 456 quy định bổ sung trường hợp người thực hiện phạm tội tự thú và nếu đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện (sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng) thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm.
Khoản 2 Điều 456 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện là:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo.
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo.
- Về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng:
Điều 457 quy định khi vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng.
Như vậy, thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn được bổ sung thêm Cơ quan điều tra và Tòa án thay vì chỉ có Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định như quy định của BLTTHS năm 2003. Mặt khác, việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đầy đủ các điều kiện là bắt buộc và nếu không áp dụng sẽ là vi phạm.
- Về thời điểm áp dụng:
Khoản 1 Điều 457 quy định thời điểm áp dụngthủ tục rút gọn là sau 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện thay vì sau khi khởi tố vụ án như quy định của BLTTHS năm 2003.
Như vậy, với quy định nêu trên thì đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chủ động, trách nhiệm, khẩn trương thực hiện trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
- Về thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát:
Khoản 3 Điều 457 quy định: Nếu thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không có căn cứ thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định của Cơ quan điều tra.
Khoản 4 Điều 457 quy định: Nếu thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định và Chánh án phải xem xét trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị.
- Về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử:
Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì thời hạn điều tra không quá 20 ngày (tăng 08 ngày); thời hạn truy tố không quá 05 ngày(tăng 01 ngày); thời hạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày (tăng 3 ngày) so với BLTTHS năm 2003;thời hạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng.
- Về thành phần Hội đồng xét xử:
Điều 463, Điều 465 BLTTHS năm 2015 quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm, phiên tòa xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn đều do 01 Thẩm phán tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm và không tiến hành nghị án.
Trên đây là những điểm mới cơ bản về thủ tục rút gọn theo BLTTHS năm 2015. Với những quy định nêu trên đòi hỏi Viện kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án đồng thời mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn đảm bảo đúng pháp luật./.
Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2