.

Thứ sáu, 17/05/2024 -13:21 PM

Tìm hiểu một số quy định mới của Bộ luật TTHS năm 2015.

 | 

Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 trong đó quy định kể từ ngày 01/01/2018 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Qua nghiên cứu Phần quy định về truy tố thấy có một số quy định mới cơ bản sẽ được áp dụng nhiều trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự như sau.

- Về giao nhận hồ sơ vụ án  (Điều 238): BLTTHS năm 2015 quy định mới là khi Viện kiểm sát thấy Cơ quan điều tra giao hồ sơ vụ án nhưng tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo không đủ so với bảng kê tài liệu hoặc bản kết luận điều tra chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện đầy đủ.

- Về thời hạn giao cáo trạng cho bị can, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án (Điều 240, Điều 244): BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung trường hợp đặc biệt, vì lý do khách quan thì thời hạn giao bản cáo trạng cho bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp này, thời hạn chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 7 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án. (BLTTHS năm 2003 quy định là 3 ngày). 

Về trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên (Điều 240): BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định như cáo trạng, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can  của Viện kiểm sát cấp dưới nếu thấy các quyết định này không có căn cứ hoặc trái pháp luật

- Về nhập, tách, tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố (Điều 242, Điều 247): BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định cụ thể các trường hợp tách, nhập vụ án. Theo đó, Viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án trong 3 trường hợp (Bị can bỏ trốn; bị can mắc bệnh hiểm nghèo; bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh) khi đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Viện kiểm sát có thể nhập vụ án trong 3 trường hợp (Bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có).

Về tạm đình chỉ điều tra: BLTTHS năm 2015 ngoài việc giữ nguyên các căn cứ tạm đình chỉ theo BLTTHS năm 2003 gồm bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y và khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu thì bổ sung thêm căn cứ Viện kiểm sát tạm đình chỉ vụ án khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

- Về giải quyết việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (Điều 246): BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử./.

 Nguyễn Ngọc Cường-Phòng 2 VKS tỉnh

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,919,651
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.243.106

    Thư viện ảnh