Tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, thay thế cho Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (Pháp lệnh năm 2011) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mục tiêu chính của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn của Pháp lệnh năm 2011; tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Khắc phục hạn chế, tồn tại trong quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Tại Điều 1 Pháp lệnh năm 2011 chỉ quy định phạm vi điều chỉnh, bao gồm: quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; mà không quy định những nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ, nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ; chưa quy định về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục vấn đề trên, Điều 1 Luật số 14/2017/QH14 đã bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả việc quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ, nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Điều 2 Pháp lệnh năm 2011 quy định đối tượng áp dụng theo hướng liệt kê: “Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”, còn chung chung, chưa cụ thể, sẽ dẫn đến cách hiểu sai về đối tượng áp dụng, Pháp lệnh năm 2011 áp dụng đối với cả những đối tượng không liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là chưa hợp lý. Điều 1 Luật số 14/2017/QH14 đã bổ sung quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng. Theo đó, bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, tại Điều 4 Pháp lệnh năm 2011 quy định 6 nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình; người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích và hạn chế tối đa thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được xử lý hoặc tiêu hủy. Kế thừa Điều 4 Pháp lệnh năm 2011, Điều 4 của Luật số 14/2017/QH14 bổ sung thành 9 nguyên tắc về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó có những nguyên tắc mới, đó là: Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định; Nguyên tắc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không chỉ bảo đảm đúng mục đích, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường mà còn bảo đảm đúng quy định; Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận; Thu hồi, thanh lý và tiêu hủy đối với vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ khi không còn nhu cầu sử dụng; Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ bị mất phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền; Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
Quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ
Điều 5 Pháp lệnh năm 2011 quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ. Điều 5 của Luật số 14/2017/QH14 bổ sung quy định thành 14 hành vi bị cấm, cụ thể hơn, trong đó bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm gồm: Hành vi nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; hành vi mang trái phép tiền chất thuốc nổ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; hành vi lợi dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao; hành vi giao tiền chất thuốc nổ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hành vi trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo; hành vi vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; hành vi chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; hành vi chiếm đoạt, trao đổi, gửi, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức; hành vi che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; hành vi đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tại Điều 7 Pháp lệnh năm 2011 quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chỉ phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phân công người có đủ tiêu chuẩn bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này; chỉ được giao vũ khí cho người thuộc cơ quan, tổ chức sử dụng khi người đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này; bố trí kho hoặc nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp lệnh. Tuy nhiên, quy định như trên dẫn đến cách hiểu là người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ, trong trường hợp có vi phạm xảy ra trong quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ, các cơ quan hữu quan sẽ không có đủ căn cứ để yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm. Để khắc phục hạn chế nêu trên, Điều 6 của Luật số 14/2017/QH14 bổ sung thêm và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng: Trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; phân công người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ; bố trí kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ.
Mặt khác, Luật số 14/2017/QH14 đã quy định chi tiết, cụ thể, chặt chẽ về điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, tại Điều 8 Pháp lệnh năm 2011 quy định trách nhiệm của 3 đối tượng, gồm: người được giao sử dụng vũ khí, người được giao sử dụng vật liệu nổ và người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ. Điều 14 Pháp lệnh năm 2011 cũng chỉ quy định về tiêu chuẩn của người sử dụng vũ khí, mà không quy định về tiêu chuẩn của người sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; do đó, quy định của Điều 14 chưa bảo đảm tính hợp lý và lôgic với nội dung Điều 8 Pháp lệnh. Chính vì thế, Luật số 14/2017/QH14 đã thu hút các nội dung thuộc hai điều luật nêu trên vào cùng một điều luật quy định về trách nhiệm, điều kiện của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Điều 7 của Luật số 14/2017/QH14), trong đó bổ sung các điều kiện đối với những người này, đó là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án; đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận; trách nhiệm phải bàn giao giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
Bổ sung quy định mở rộng cho 04 diện đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
Trong Pháp lệnh năm 2011, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ còn quy định chung chung và thiếu một số đối tượng cần thiết phải được trang bị; không bảo đảm đáp ứng yêu cầu và đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; thiếu sự thống nhất giữa các quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ không tập trung, chưa phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ. Khắc phục các hạn chế này, Điều 18 của Luật số 14/2017/QH14 đã bổ sung quy định mở rộng cho 04 diện đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, ngoài Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Hải quan cửa khẩu và lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, an ninh hàng không, đó là: Cảnh sát biển, Cơ yếu, Kiểm ngư và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều 28 của Luật số 14/2017/QH14 quy định bổ sung, mở rộng thêm các đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ, theo đó, ngoài các chủ thể như Điều 22 Pháp lệnh, còn có: Cảnh sát biển, Cơ yếu và Kiểm ngư. Điều 55 của Luật số 14/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ: Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Công an nhân dân, Cơ yếu, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường, An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Ban Bảo vệ dân phố, Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, Cơ sở cai nghiện ma túy, và các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, đánh giá đúng tính chất, vai trò công tác của các lực lượng có thẩm quyền trong việc ngăn chặn vi phạm, tội phạm; nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan, đơn vị này thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bảo đảm tăng cường bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, điều tra viên, cán bộ điều tra… thuộc lực lượng Cảnh sát biển, Cơ yếu, Kiểm ngư, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và sức chiến đấu của các cơ quan này trong quá trình thi hành nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Bổ sung đầy đủ nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Pháp lệnh năm 2011 không quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ quy định về việc nổ súng tại Điều 22 Pháp lệnh. Điều 22 của Luật số 14/2017/QH14 đã quy định mới các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng cụ thể, chi tiết như sau: Khoản 1: Nguyên tắc khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng. Khoản 2: Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng; chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay; không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra. Khoản 3: Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 như nêu trên, Điều 23 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 như nêu trên, Điều 23 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khoản 4: Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 nêu trên; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh năm 2011 chỉ quy định chung 07 trường hợp nổ súng, gây khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành bởi không quy định rõ trường hợp nào thì nổ súng phải có cảnh báo và những trường hợp nào nổ súng không cần cảnh báo để bảo đảm việc sử dụng vũ khí được đúng đắn, kịp thời, cần thiết và đạt hiệu quả. Để khắc phục hạn chế nêu trên, Điều 23 của Luật số 14/2017/QH14 đã sửa đổi, quy định phân tách rõ và cụ thể các trường hợp nổ súng có cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Cụ thể: Các trường hợp nổ súng có cảnh báo (khoản 1 Điều 23), người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong những trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.
Đối với các trường hợp được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo, bao gồm: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó; đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm quy định cụ thể và phân tách rõ những trường hợp nổ súng có cảnh báo và không cần cảnh báo, tránh trường hợp lạm dụng, tùy tiện khi nổ súng, góp phần bảo đảm việc nổ súng tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Mở rộng thẩm quyền nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng
Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí (Điều 17 của Luật số 14/2017/QH14): Điều 12 Pháp lệnh năm 2011 quy định, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng. Còn việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ. Quy định này không phù hợp với việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Điều 68 Hiến pháp năm 2013 khi không nêu rõ chủ thể được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí. Đồng thời, không điều chỉnh các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Khắc phục hạn chế nêu trên, Điều 17 của Luật số 14/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chi tiết chủ thể được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí, đồng thời, bổ sung thêm các hoạt động mà các chủ thể này được phép làm như: kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, gồm: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.
Đối với quy định nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ quân dụng (Điều 35 của Luật số 14/2017/QH14): Tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh năm 2011 quy định thẩm quyền nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ quân dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng. Khoản 1 Điều 35 của Luật số 14/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền, ngoài tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản vật liệu nổ quân dụng còn giao cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an. Tại khoản 3 Điều 35 Luật số 14/2017/QH14 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng thuộc phạm vi quản lý.
Việc mở rộng thẩm quyền nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ quân dụng như nêu trên nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 68), Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII, cũng như các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh.
Nguồn: Báo Bảo vệ pháp luật