.

Thứ sáu, 17/05/2024 -13:56 PM

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015: Góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

 | 

Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII và việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 năm 2015 (Luật số 12/2017/QH14). Việc ban hành Luật số 12/2017/QH14 nhằm khắc phục những sai sót đã phát hiện được của BLHS năm 2015, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật trong thực tiễn, đồng thời, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới...

Sửa đổi, bổ sung một số quy định chung

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 3 - Nguyên tắc xử lý và Điều 51 - Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của BLHS năm 2015 (khoản 1 và khoản 6 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 và điểm d khoản 2 Điều 3 của BLHS năm 2015 như sau: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” (điểm a khoản 1 Điều 1). “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra” (điểm b khoản 1 Điều 1). Về lý do sửa đổi, bổ sung, đó là, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Luật phòng, chống tham nhũng thì ngoài cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án), còn các cơ quan khác có trách nhiệm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật như: Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước… Nếu cá nhân và pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với các cơ quan này thì cũng cần có chính sách khoan hồng, khuyến khích họ, góp phần phát hiện, xử lý nhanh chóng tội phạm. Việc sửa đổi như trên bảo đảm quy định thống nhất giữa cá nhân phạm tội với pháp nhân thương mại phạm tội về nguyên tắc xử lý.

Liên quan đến quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều quy định tình tiết giảm nhẹ là “Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm” (điểm q khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 và điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS 2015). Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung tình tiết trên như sau: “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” (điểm a khoản 6 Điều 1). Bên cạnh đó, BLHS năm 1999 quy định tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm p khoản 1 Điều 46). BLHS năm 2015 đã tách tình tiết nêu trên để quy định thành 02 tình tiết giảm nhẹ: “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” (điểm s khoản 1 Điều 51). Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi tình tiết giảm nhẹ này theo hướng giữ như quy định của BLHS năm 1999 “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Việc tách thành 02 tình tiết giảm nhẹ như quy định tại điểm s khoản 1 BLHS năm 2015 là không hợp lý, vì “ăn năn hối cải” không thể là một tình tiết giảm nhẹ độc lập. Việc “ăn năn hối cải” là thái độ, trạng thái tâm lý, không thể hiện hành vi, hoạt động cụ thể của người phạm tội, do đó cần phải gắn liền với “thành khẩn khai báo” mới đủ yếu tố để trở thành 01 tình tiết giảm nhẹ.

Mặt khác, nếu BLHS năm 2015 bổ sung tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng” (điểm x khoản 1 Điều 51) thì Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi theo hướng: “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” (điểm b khoản 6 Điều 1). Về lý do sửa đổi, việc quy định như điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 dẫn đến cách hiểu quy định này chỉ áp dụng đối với thân nhân liệt sỹ và thân nhân người có công với cách mạng, còn người có công với cách mạng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Do đó, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi để bảo đảm tính bao quát, dễ hiểu; đồng thời phù hợp với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Thêm vào đó, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 - Chuẩn bị phạm tội của BLHS năm 2015 (khoản 4 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó,  nhằm quy định cho rõ ràng hơn, Luật số 12/2017/QH14 bổ sung cụm từ “thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm” trước cụm từ “quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”, cụ thể: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này” (khoản 4 Điều 1). Cùng với đó, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 19 - Không tố giác tội phạm của BLHS năm 2015 (khoản 5 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); cụ thể, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 19 như sau: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”. Đồng thời, Luật số 12/2017/QH14 còn sửa đổi, bổ sung Điều 29 - Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự của BLHS năm 2015 (điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 29 theo hướng lấy lại quy định của BLHS năm 1999, bổ sung cụm từ “Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác” vào đầu điểm này, cụ thể: “Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” (điểm a khoản 1 Điều 2).

Mặt khác, nếu như BLHS năm 2015 bổ sung quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự” (khoản 3 Điều 29) thì Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 như sau: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự” (điểm a khoản 1 Điều 2). Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 61 - Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án của BLHS năm 2015 (khoản 8 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); sửa đổi, bổ sung Điều 66 - Tha tù trước thời hạn có điều kiện của BLHS năm 2015 (khoản 9 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14).

Sửa đổi, bổ sung một số quy định  liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 - khoản 3 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14), cụ thể: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với đó, để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm và bảo đảm sự thống nhất về chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội (khoản 3 Điều 14 BLHS năm 2015 - khoản 4 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 02 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản (khoản 4 Điều 1). Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện để đương nhiên được xóa án tích (khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015 - khoản 19 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14).

Sửa đổi, bổ sung    một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 9 - Phân loại tội phạm của BLHS năm 2015 (khoản 2 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14) đồng thời mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324) (các khoản 11, 102 và 122 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Bên cạnh đó, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung về cách tổng hợp hình phạt chính trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội của BLHS năm 2015 (Điều 86 BLHS năm 2015 - khoản 13 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); sửa đổi, bổ sung các điều 188, 189, 200, 225, 226, 227 và 232 của BLHS năm 2015 (các khoản 38, 39, 47, 52, 53, 54 và 55 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14).

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung mức định lượng về tỷ lệ tổn thương cơ thể trong các khung của một số điều luật. Cụ thể, BLHS năm 2015 có 03 cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể trong trường hợp phạm tội có hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người, đó là: Tính tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng người; tính tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này; kết hợp vừa tính tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng người, vừa tính tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người. Tuy nhiên, Luật số 12/2017/QH14 chỉ quy định 02 cách tính, đó là tính tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng người; tính tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này (đối với những trường hợp do lỗi vô ý với hậu quả gây thương tích cho nhiều người). Đồng thời, sửa đổi toàn bộ quy định của BLHS năm 2015 có quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể để bảo đảm cách tính thống nhất, phù hợp với từng nhóm khách thể được bảo vệ. Đối với tình tiết “Gây rối loạn tâm thần và hành vi”, BLHS năm 2015 bổ sung tình tiết “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”, tuy nhiên quy định tách riêng với tình tiết “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân”. Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi theo hướng nhập tình tiết “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” với tình tiết “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân” trong những điều luật quy định cả 02 tình tiết này; và quy định mức tỷ lệ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” bằng với mức tỷ lệ “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân”.

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 134 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác của BLHS năm 2015 (khoản 22 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14) đồng thời sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết từ định lượng sang định tính (các Điều 162, 283, 284, 301, 304, 305, 306, 311 và 363). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 quay trở lại cách quy định như BLHS năm 1999 về các tình tiết có tính định tính tại các Điều: 162 (Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật), 283 (Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 284 (Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 301 (Tội bắt cóc con tin), 304 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), 305 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ), 306 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự), 311 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc) và 363 (Tội đào nhiệm) BLHS năm 2015.

Sửa đổi, bổ sung  một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của BLHS năm 2015 (các khoản 34, 35, 36 Điều 1 và điểm c khoản 3 Điều 2 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 không quy định tình tiết “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” mà chỉ giữ lại quy định tình tiết “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” là tình tiết định tội tại các Điều 172, 173, 174, 175 và 178. Bên cạnh đó, Luật số 12/2017/QH14 kế thừa quy định của BLHS năm 1999, bổ sung lại hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 1 Điều 175). Điều này nhằm bảo đảm xử lý được các trường hợp vay, mượn, thuê… tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 190 - Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và Điều 191 - Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm của BLHS năm 2015 (khoản 40 và khoản 41 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi theo hướng có mức định lượng riêng về khối lượng/số lượng đối với đối tượng là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu, cụ thể đó là buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên; sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ với khối lượng từ 06 kg trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 hoặc Điều 191. Cùng với đó, Luật số 12/2017/QH14 quy định mức định lượng khác nhau giữa đối tượng là “hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng” với đối tượng là “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”. Về nội dung này, nếu như BLHS năm 2015 quy định chung, không có sự phân hóa về định lượng giữa 02 đối tượng là “hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng” với đối tượng là “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam” thì Luật số 12/2017/QH14 quy định mức định lượng khác nhau giữa 02 đối tượng này theo hướng giá trị đối với hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng thấp hơn giá trị hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam để xử lý hình sự. Việc sửa đổi này là để phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, đảm bảo sự phân hóa trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các Điều: 192, 193, 194 và 195 của BLHS năm 2015 (các khoản 42, 43, 44 và 45 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Mục 3 - Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tại Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS năm 2015. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung Điều 232 - Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (khoản 55 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); sửa đổi, bổ sung Điều 233 - Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (khoản 56 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); sửa đổi, bổ sung Điều 234 - Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (khoản 57 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14).

Sửa đổi, bổ sung  các quy định về  tội phạm ma túy

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Chương các tội phạm về ma túy của BLHS năm 2015 (các khoản 65, 66, 67, 68, 69 và 70 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14). Theo đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung các quy định về tội phạm ma túy theo hướng: Bổ sung chất XLR-11 vào cấu thành các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252). Bổ sung “lá khát (lá cây Catha edulis)” vào các điều khoản tương ứng của các tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252). Bổ sung quy định có tính dự liệu “hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định” vào các điều khoản tương ứng của các tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252). Sửa đổi Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) theo hướng: Ngoài tình tiết định tội “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” còn bổ sung tình tiết đã bị kết án về một trong các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để xử lý các hành vi phạm tội về ma tuý, tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Luật số 12/2017/QH14 cũng đã bãi bỏ Điều 292 liên quan đến tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (khoản 141 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14); sửa đổi, bổ sung Điều 206 - Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng của BLHS năm 2015 (khoản 48 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14) và bổ sung điều luật mới - Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (khoản 51 Điều 1 của Luật số 12/2017/ QH14). Đồng thời, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 317 - Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của BLHS năm 2015 (khoản 119 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14).

Sửa đổi, bổ sung đối với tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 322 - Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc của BLHS năm 2015 (khoản 121 Điều 1 của Luật số 12/2017/ QH14). Cụ thể, BLHS năm 1999 quy định mang tính định tính. BLHS năm 2015 quy định hành vi “Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên” là tình tiết định tội của tội này. Quy định này không rõ việc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong trường hợp có 02 chiếu bạc trở lên có phải diễn ra trong cùng một lúc hay không và quy định cho 10 người đánh bạc trở lên có kèm theo số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hay không. Luật số 12/2017/QH14 quy định rõ việc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong trường hợp có 02 chiếu bạc trở lên phải diễn ra trong cùng một lúc và kèm theo số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 322 được sửa đổi như sau: “Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên”. Việc sửa đổi, bổ sung này là để bảo đảm tính rõ ràng, áp dụng thống nhất, tránh xử lý quá rộng hoặc xử lý tràn lan.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 quy định trường hợp sử dụng địa điểm thuộc quyền quản lý, sở hữu của mình cho người khác đánh bạc là chưa bao quát hết được các trường hợp tổ chức đánh bạc. Luật số 12/2017/QH14 đã được chỉnh lý theo hướng tách hành vi tổ chức đánh bạc (điểm a khoản 1) thì không quy định về địa điểm, còn hành vi gá bạc (điểm b khoản 1) thì phải quy định địa điểm. Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung điểm c khoản 2 Điều 322 như sau “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;”. Lý do sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự, thống nhất với cách quy định trong tội đánh bạc (Điều 321).

Nguồn Báo Bảo vệ pháp luật

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,919,963
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.55.42

    Thư viện ảnh