Bộ luật hình sự 2015 đã được Quốc hội thông qua nhưng phải hoãn thi hành vì có thiếu sót, bất cập, sau đây chúng tôi đưa ra thêm một số thiếu sót, bất cập mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 chưa đề cập đến cụ thể như sau:
1. Về Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:
Tại Khoản 3 Điều 29 quy định “3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”
Do cách hành văn chưa rõ ràng nêu trên đã tạo ra 2 cách hiểu khác nhau về trường hợp người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng cụ thể như sau:
+ Cách hiểu thứ nhất: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng chỉ trong trường hợp do lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
+ Cách hiểu thứ hai: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Để tránh việc dễ gây hiểu lầm thiếu thống nhất khi áp dụng trên thực tiễn đề nghị sửa đổi như sau:
+ Trường hợp nhà làm luật chỉ muốn cho người phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý mới được xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì cần quy định: “3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”
+ Trường hợpnhà làm luật muốn cho người phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hay vô ý đều có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì cần quy định: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
2. Về Điều 50. Căn cứ quyết định hình phạt:
Tại khoản 1 Điều 50 BLHS 2015 quy định: “1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Như vậy là có rất nhiều căn cứ để quyết định hình phạt có thể chia làm 5 căn cứ như sau: Thứ nhất là các quy định của Bộ luật hình sự 2015; Thứ hai đó là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; Thứ ba đó là nhân thân người phạm tội; Thứ tư là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Thứ năm đó là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong các căn cứ quyết định hình phạt nêu trên thì Bộ luật hình sự 2015 chưa có quy định cụ thể nào về hai căn cứ quyết định hình phạt rất quan trọng đó là “Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” và “nhân thân người phạm tội”. Thiếu sót này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ án báo chí đã nêu Tòa án quyết định mức hình phạt hoặc là thấp quá hoặc là cao quá không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và không phù hợp với nhân thân người phạm tội. Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bổ sung các quy định về hai căn cứ quyết định hình phạt này theo hướng đưa vào trong Điều 50 Bộ luật hình sự 2015 thêm 2 khoản:Một khoản quy định rõ khái niệmvềtính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; Một khoản quy định rõkhái niệmvề nhân thân người phạm tội.
3. Về Điều 101. Tù có thời hạn:
Tại Điều 101 quy định: “Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Do cách hành văn “mức phạt tù mà điều luật quy định” ở đoạn cuối của cả hai khoản 1 và khoản 2 như trên là chưa rõ ràng, cụ thể vì không rõ là mức phạt tù cao hay thấp, mức phạt tù của khoản nào của điều luật…từ đó đã gây ra tranh luận vì có nhiều cách hiểu khác nhau:
+ Cách thứ nhất: Cách thứ nhất được hiểu là nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù mà điều luật quy định dự định để áp dụng đối với người đã thành niên vì tại khoản 6 điều 91 Bộ luật hình sự 2015 đã quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: “Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Ví dụ: Nguyễn Văn A 17 tuổi bị truy tố xét xử về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Khoản 3 điều 134 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt từ 4 năm đến 7 năm tù. Cơ quan tố tụng sẽ quyết định hình phạt đối với A bằng cách đặt giả thiết với các tình tiết trong vụ án đó nếu A đủ 18 tuổi trở lên thì sẽ bị phạt cao nhất là 36 tháng tù có thời hạn, do A mới 17 tuổi nên sẽ phạt cao nhất không quá ¾ của 36 tháng tức là không quá 27 tháng tù;
+ Cách hiểu thứ hai đó là nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định. Cụ thể theo ví dụ nêu trên thì Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định mức phạt tù cao nhất là 20 năm tù, do đó A sẽ không bị phạt quá ¾ của 20 năm tù tức là không quá 15 năm tù hay có nghĩa là vẫn có thể phạt A đến 7 năm tù mức cao nhất của khung.
+ Cách hiểu thứ ba đó là nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà khung hình phạt của điều luật quy định. Cụ thể theo ví dụ nêu trên thì Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định mức phạt tù cao nhất của khung hình phạt A bị truy tố xét xử là 7 năm tù, do đó A sẽ không bị phạt quá ¾ của 7 năm tù tức là không quá 5,25 năm tù.
Để dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tiễn và tạo sự thống nhất với nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại khoản 6 điều 91 Bộ luật hình sự 2015 đã trích dẫn ở trên chúng tôi đề nghị sửa đổi quy định tại điều 101 Bộ luật hình sự 2015 theo hướng như sau:
“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất được quy định trong khung hình phạt mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù cao nhất trong khung hình phạt mà điều luật quy định.”
Nếu sửa đổi thì nội dung các Điều 103, 104 Bộ luật hình sự 2015 cũng cần được sửa đổi và quy định rõ ràng hơn để phù hợp với nội dung Điều 101 Bộ luật hình sự 2015.
Đặng Bá Hưng – VKS huyện Sơn Động