ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 19/04/2025 -02:55 AM

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

 | 

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định phải đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp,Điều 103 khoản 5 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong xét xử như sau:

Điều 24 Bộ LTTDS năm 2015 đã sửa tên của Điều 23a Bộ LTTDS năm 2011 Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự thành Bảo đảm tranh tụng trong xét xử.

Khoản 1 Điều 24 Bộ LTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định"Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này. Bộ LTTDS năm 2011 chỉ quy định chung là “Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”

Điều 24 Bộ LTTDS năm 2015 đã quy định bổ sung mới khoản 2, 3 quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như việc xem xét, đánh giá các tài liệu chứng cứ:

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và cónghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.    Từ quy định trên và các quy định khác có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tranh tụng được bảo đảm như:

Thứ nhất,Về thời điểm và các giai đoạn tranh tụng của các đương sự được thực hiện từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án; đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ hai,Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sựtài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự theo quy định của Bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự.

Thứ ba,Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này. Tuy nhiên đương sự cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật này, nếu không thực hiện các nghĩa vụ đó thì phải chịu hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư,Việc xem xét chứng cứ và quyền được tiếp cận chứng cứ của đương sự. Trong quá trình tố tụng và tại phiên Tòa các chứng cứ của vụ án phải được công khai trừ trường hợp không được công khai quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đều có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai). Đương sựcó nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai).

Như vậy, có thể thấy Bộ LTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.

Trần Văn Trí - VKSND huyện Yên Thế

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:35,920,009
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.189.11.70

    Thư viện ảnh