Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế tố tụng hiện hành, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tư pháp hình sự, BLTTHS 2015 đã có một bước chuyển cơ bản về chế định bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. BLTTHS 2015 đã quy định các quyền mới của người bào chữa trong quá trình thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự trên các mặt cụ thể như sau:
Thứ nhất, đã có sự phân biệt rõ hai trình tự người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo:
BLTTHS 2003 chỉ quy định một trình tự gặp duy nhất trong giai đoạn điều tra là người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và đề nghị CQĐT báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để người bào chữa có mặt khi hỏi cung bị can. Như vậy, việc tham gia trong giai đoạn điều tra của người bào chữa chỉ mang tính hình thức bời vì cuộc gặp này do ĐTV chủ động lên kế hoạch, việc hỏi cung của người bào chữa chỉ được tiến hành khi ĐTV đồng ý, việc báo trước cho người bào chữa thường không đảm bảo kịp thời gian. Nhằm khắc phục hạn chế này, BLTTHS 2015 đã có quy định phân biệt rõ hai trình tự người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như sau:
- Một là, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 thì cuộc gặp, hỏi giữa người bào chữa với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là do người bào chữa chủ động tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp; được hỏi, trao đổi hoàn toàn riêng tư với người bị buộc tội trong điều kiện giám sát của cơ sở giam giữ mà không bắt buộc phải có mặt những người tiến hành tố tụng. Theo quy định tại điều 80 BLTTHS 2015, để được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân. Cơ quan quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm các quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Hai là, theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 thì cuộc gặp do ĐTV hoặc KSV chủ động tiến hành, theo kế hoạch đã chuẩn bị trước nhằm lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can với sự có mặt của người bào chữa. Như vậy, trong cuộc gặp này, người bào chữa chỉ được hỏi người bắt, bị tạm giữ, bị can khi người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 điều 73 BLTTHS 2015 thì để chuẩn bị cho cuộc gặp này, người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quy định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.
Thứ hai, về quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ:
Nhằm khắc phục việc người bào chữa tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu từ phía nhân chứng, tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng bị từ chối hoặc gây khó khăn. Khoản 1 điều 73 BLTTHS 2015 quy định ba quyền của người bào chữa, đó là: (1) thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; (2) kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người cso thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (3) đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Theo quy định tại điều 88 BLTTHS 2015, để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 Điều 88 cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của BLTTHS 2015. Trường hợp việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn, người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản (điểm k khoản 1 Điều 73).
Thứ ba, về quyền đề nghị tiến hành một số hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS, đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
Thực tiễn hiện nay, ngoại trừ một số vụ án liên quan đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, việc triệu tập ĐTV để làm rõ các vấn đề liên quan việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các dấu hiệu khác như bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ… gần như không được pháp luật tố tụng hình sự quy định và cũng không được tiến hành trên thực tế. Mặt khác, để việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, thu thập vật chứng, định giá và đấu giá tài sản… được thực hiện khách quan. Điểm g Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền đề nghị tiến hành một số hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS, đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khoản 2 Điều 201 BLTTHS 2015 quy định khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm. Theo quy định tại điều 296 BLTTHS 2015, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập ĐTV, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề cso liên quan đến vụ án. Đây là quy định mới về quyền của người bào chữa, cũng như làm rõ trách nhiệm của ĐTV, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án./.
Lê Đình Tuấn-VKSND huyện Tân Yên