ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 19/04/2025 -03:13 AM

Trao đổi về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.

 | 

Nhằm hạn chế việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi, tạo điều kiện sớm đưa người dưới 18 tuổi phạm tội ra khỏi vòng quay tố tụng hình sự và áp dụng các biện pháp mang tính giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tại cộng đồng, BLHS năm 2015 quy định, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một số trường hợp nhất định và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả gây ra thì có thể được miễn trách nhiện hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Để đảm bảo thực hiện quy định này, BLTTHS năm 2015 bổ sung mới 04 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (từ Điều 426 đến Điều 429). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền áp dụng:

Theo quy định tại Điều 426 BLTTHS 2015 thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, về thủ tục áp dụng:

Tại các Điều 427, 428, 429 BLTTHS 2015 quy định trong từng vụ án cụ thể, khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của BLHS thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục là: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan đó đang thụ lý, giải quyết.

Thứ ba, về nội dung của quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục:

Theo quy định tại các điều từ 427 đến 429 BLTTHS 2015, thì 05 nội dung chính bắt buộc phải thể hiện trong các quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục bao gồm: (1) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; (2) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định; (3) Lý do, căn cứ ra quyết định; (4) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; (5) Tội danh, điểm, khoản, điều khoản của BLHS đã áp dụng.

Ngoài các nội dung chính này, đối với quyết định áp dụng mỗi loại biện pháp giám sát, giáo dục còn phải có thêm các nội dung khác như: Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách còn có thêm nội dung về thời gian thực hiện nghĩa vụ của người bị khiển trách. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn có thêm các nội dung về họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải; họ tên người bị hại; họ tên những người khác tham gia hòa giải; thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn có thêm nội dung về thời hạn áp dụng và trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú.

Thứ tư, về việc giao nhận quyết định áp dụng:

BLTTHS 2015 quy định về việc giao nhận quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục như sau:

- Quyết định áp dụng các biện pháp khiển trách phải được giao cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người địa diện của họ (Khoản 3 Điều 427).

- Quyết định áp dụng biện pháp hòa giả tại cộng đồng phải được giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và UBND xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải (Khoản 3 Điều 428).

- Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được giao cho người bị áp dụng biện pháp này, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú (Khoản 3 Điều 429).

Thứ năm, về trình tự áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng:

Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải. Biên bản hòa giải có các nội dung chính sau: (1) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc; (2) Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải; (3) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; (4) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị hại; (5) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải; (6) Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải; (7) kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người địa diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có); (8) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán hòa giải.

Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải ghe. Nếu có người yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán đã lập biên bản ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao cho những người tham gia hòa giải.        

Lê Đình Tuấn - VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:35,920,169
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.37.229

    Thư viện ảnh