ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -04:13 AM

Những nội dung mới về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có 07 điều quy định thủ tục rút gọn (từ Điều 318 đến Điều 324). BLTTHS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là có nhiều quy định mới, các quy định về thủ tục rút gọn được thể hiện tại chương XXXI với 11 Điều (từ Điều 455 đến Điều 465). Sau khi nghiên cứu BLTTHS 2015, chúng tôi xin trao đổi về những quy định mới về thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 như sau:

Thứ nhất, về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn:

BLTHS 2003 chỉ quy định áp dụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn của BLTTHS 2015 được quy định tại Điều 455 với phạm vi rộng hơn, bổ sung áp dụng thủ tục rút gọn trong cả giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Thứ hai, về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn:

Điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2003 gồm 04 quy định: (1) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; (2) Sự việc phạm tôi đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (3) Tôi phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (4) Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Nhằm mở rộng các trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn và để phản ánh rõ hơn về thông tin nơi cư trú  người phạm tội, BLTTHS 2015 bổ sung thêm trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội ra tự thú và sửa đổi quy định người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng (điểm d, điểm a Khoản 1 Điều 456). Như vậy, BLTTHS 2015 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong hai trường hợp là người có hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó ra tự thú khi thỏa mãn 03 điều kiện còn lại.

Đối với thủ tục rút gọn ở gia đoạn xét xử phúc thẩm, BLTTHS 2015 quy định hai trường hợp, đó là:

- Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn từ giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được hưởng án treo.

- Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn nhưng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm thấy đủ điều kiện áp dụng thì Tòa án áp dụng.

Thứ ba, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 257, 258):

BLTTHS 2003 quy định chỉ có Viện kiểm sát mới có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn. Nhằm tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn là các cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Để khắc phục tình trạng tùy ghi trong áp dụng thủ tục rút gọn, BLTTHS 2015 là xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đó là bắt buộc phải áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện.

Thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn không phải là sau khi khởi tố vụ án như quy định của BLTTHS 2003 mà là sau 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện. Tức là bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, khi vụ án có đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm áp dụng.

Hiệu lực của thủ tục rút gọn được BLTTHS 2015 quy định được thực hiện từ khi ban hành quyết định đến giai đoạn xét xử phúc thẩm (trừ trường bị hủy bỏ). Tức là quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chỉ ban hành 01 lần và được thực hiện suốt ở các giai đoạn tố tụng.

Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ của các quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra và Tòa án. Các quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không có căn cứ thì phải hủy bỏ; căn cứ hủy bỏ được thực hiện theo quy định tại Điều 258; về thẩm quyền hủy bỏ: Cơ quan áp dụng thủ tục rút gọn sẽ ra quyết định hủy bỏ, ngoài ra Viện kiểm sát có thẩm quyền hủy bỏ quyết định áp dụng của Cơ quan điều tra (Khoản 3 Điều 257).

Thứ tư, việc tạm giữ, tạm giam và thời hạn để điều tra, truy tố, xét xử:

BLTTHS 2015 đã sửa đổi tăng thời hạn giải quyết vụ án và thời hạn tạm giam ở các giai đoạn. Cụ thể: thời hạn điều tra và tạm giam để điều tra là 20 ngày (tăng 08 ngày); thời hạn truy tố và tạm giam để truy tố là 05 ngày (tăng 01 ngày); thời hạn xét xử và tạm giam để xét xử sơ thẩm là 17 ngày (tăng 03 ngày); thời hạn xét xử và tạm giam để xét xử phúc thẩm là 22 ngày (Điều 259).

Thứ năm, hoạt động điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn:

BLTTHS 2015 không có nhiều nội dung sửa đổi so với BLTTHS 2003, ngoại trừ quy định bổ sung quyết định đề nghị truy tố phải có các nội dung là: Nêu tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định (Điều 460).

Trong hoạt động truy tố, BLTTHS 2015 quy định bổ sung cho Viện kiểm sát có thẩm quyền không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án. Nội dung quyết định truy tố gồm: Tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nêu rõ lý do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định (Điều 461).

Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn quy định rõ trong thời hạn 24 giờ, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề nghị truy tố cho bị can, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ cho Tòa án, giao quyết định truy tố cho bị can…

Thứ sáu, hoạt động xét xử theo thủ tục rút gọn:

BLTTHS 2015 đã có nhiều điểm mới cơ bản, đó là:

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án phải gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị cáo, luật sư…

- Phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành (không có Hội thẩm). Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa thì KSV công bố quyết định truy tố, còn các hoạt động khác được thực hiện theo thủ tục chung, đặc biệt là không có phần nghị án (vì chỉ có 01 Thẩm phán).

- Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS là 05 ngày; trong thời hạn 15 kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa; trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải gửi, giao quyết định cho VKS, bị cáo, luật sư… Việc xét xử ở cấp phúc thẩm được thực hiện bởi 01 Thẩm phán.

Thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, có nhiều quy định mới, quy định bắt buộc. Việc tổ chức quán triệt để nâng cao nhận thức và ý nghĩa của việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS 2015 là hết sức cần thiết. Xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là bắt buộc phải thực hiện khi có đủ điều kiện áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng không được né tránh và tùy ghi khi áp dụng thủ tục này. Do vậy, mỗi Kiểm sát viên, đặc biệt là các Kiểm sát viên ở các đơn vị cấp huyện cần nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự./.

Lê Đình Tuấn-VKSND huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,437,364
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.96.108

    Thư viện ảnh