ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -17:12 PM

Bất cập trong việc xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

 | 

Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự năm 2015 thấy việc xử lý, buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội "Sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển hàng cấm" là pháo nổ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung còn có những bất cập, chưa thống nhất về cách hiểu và đường lối xử lý.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự năm 2015. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Qua nghiên cứu nội dung các điều, khoản được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015 và thực tiễn thi hành, vận dụng vào việc xử lý về hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999 (Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại các Điều 190, 191) thấy còn bộc lộ một số vướng mắc sau:

Thứ nhất: Vướng mắc trong việc xác định pháo có phải là mặt hàng cấm hay là mặt hàng kinh doanh có điều kiện?

Theo Danh mục 1 Hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện ban hành kèm theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/03/1999 của Chính Phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thì các loại pháo là một trong những hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện.

Ngày 15/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

“1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa..."

Tại Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2014 (có hiệu lực ngày 01/7/2015) thì kinh doanh các loại pháo là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không phải là mặt hàng cấm.

Để xác định pháo có phải hàng hóa thuộc diện “hàng cấm” thì cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Bộ chuyên ngành ban hành. Tuy nhiên, từ khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên việc xác định pháo là mặt hàng cấm hay là mặt hàng kinh doanh có điều kiệnđể có biện pháp xử lý đối với các hành vi này còn gặp khó khăn và thiếu sự thống nhất trong việc vận dụng.

Thứ hai: Vướng mắc trong việc xác định căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 155 "Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm"Bộ luật hình sự năm 1999 thì "1.  Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán  hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại  các Điều  193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236  và 238 của Bộ luật này, thì  bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm...".

Để xác định thế nào là hàng hóa "có số lượng lớn", "số lượng rất lớn", "số lượng đặc biệt lớn" thì Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo. Tại điểm 2.3 tiểu mục 2 mục 3 Thông tư này có quy định: "Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10 kg đến dưới 50 kg (được coi là số lượng lớn) hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS...".

Theo quy định của Thông tư này, bất cứ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng hàng phạm pháp từ 10kg trở nên hoặc dưới 10 kg nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc xác định người có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì căn cứ vào số lượng hàng phạm pháp.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 thì Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) có quy định về việc xác định người có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự hay không phải căn cứ vào mặt hàng phạm pháp đã liệt kê trong điều luật hoặc giá trị hàng phạm pháp.

Theo liệt kê tại Điều 190, 191 Bộ luật hình sự năm 2015 thì các mặt hàng phạm pháp bao gồm "hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối". Do đó, mặt hàng "Pháo nổ" được coi là hàng phạm pháp khác  và căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào giá trị của số hàng phạm pháp đó hoặc số tiền hưởng lợi bất chính (quy định tại điểm b, c khoản 1).

Như vậy, Thông tư 06 trên và Bộ luật hình sự năm 2015 có sự không thống nhất trong cách xác định căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Hơn nữa, đã là mặt hàng Nhà nước cấm thì việc xác định giá trị hàng phạm pháp được tính như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định giá và căn cứ vào giá nào để áp giá xác định giá trị hàng phạm pháp có đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này?

Trong trường hợp đến ngày 01/7/2016, các vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hàng cấm (là pháo nổ) đang điều tra, truy tố và chưa đưa ra xét xử đã áp dụng thực hiện theo Thông tư 06 trên sẽ xử lý như thế nào?

Để xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ được triệt để, thống nhất, đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm hướng dẫn xử lý những vấn đề nêu trên để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.

Nguyễn Thị Huệ Anh - Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,433,334
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.192.64

    Thư viện ảnh