Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 và Nghị quyết số 104/2015/QH13 về việc thi hành Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định nhiều nội dung mới so với Luật tố tụng hành chính năm 2010. Trong đó có quy định về việc thực hiện thủ tục đối thoại là thủ tục tố tụng bắt buộc phải thực hiện khi giải quyết vụ án hành chính.
Do tính đặc thù của lĩnh vực hành chính với quan hệ một bên là cơ quan hành chính Nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự điều hành quản lý, nên Luật tố tụng hành chính không quy định nguyên tắc hoà giải như khi giải quyết các vụ việc dân sự. Khi giải quyết vụ án hành chính Tòa án thực hiện thủ tục đối thoạiđể tạo điều kiện cho các đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhau, để hiểu biết nhau hơn, làm rõ được những nguyên nhân của những khác biệt trong nhận thức, những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước(nếu có). Cũng thông qua đâyngười khởi kiện có thể hiểu rõ hơn về những quy định pháp luậtliên quan đến việc khởi kiện, từ đó các bên có thể điđến những quan điểm đồng nhất, làm giảm hoặc giải quyết được mâu thuẫn, xung đột, có thể tự giải quyết với nhau, người khởi kiện có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện, người bị kiện có thể sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.Qua đógiúp quá trình giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử.
Điều 12 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã quy định về thủ tục đối thoại:
"Trong quá trình giải quyếtvụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”. Nhưng theo như quy định trên thì đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc nên thực tiễn việc thực hiện thủ tục đối thoại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên thì Luật tố tụng hành chính năm 2015đã quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc quy định cụ thể tại Điều 20 "Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết các vụ án theo quy định của Luật này”. Đồng thời Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã bổ sung mới các quy định về nguyên tắc đối thoại; về những vụ án không tiến hành đối thoại được; về thông báo phiên họp đối thoại; thành phần, thủ tục đối thoại; biên bản đối thoại và xử lý kết quả đối thoại(quy định tại các điều từ Điều 134 đến Điều 140).
Với quy định mới và cụ thể hơn về đối thoại trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 sẽ tạo cơ chế hòa giải giữa các bên, kết quả đối thoại được coi là một trong các căn cứ để giải quyết vụ án, hạn chế việc phải mở phiên tòa đồng thời đảo đảm tính hiệu quả của cơ chế đối thoại trong thực tiễn khi giải quyết các vụ án hành chính./.
Nguyễn Thị Bộ - Viện KSND huyện Tân Yên