Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với BLTTHS 2003. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi về những quy định mới về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam.
Điều 333 BLTHS 2003 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam như sau: “Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp phải cần có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát phải xem xét giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng”.
Điều 474 BLTTHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định cụ thể về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, đó là:
- Thứ nhất, BLTTHS 2015 quy định rõ hơn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố đó là Viện trưởng Viện kiểm sát. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạn giam do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết nếu quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại là của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử do Tòa án xem xét, giải quyết; khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Chánh án trong việc bắt, tạm giam thì thẩm quyền giải quyết là Chánh án Tòa án; khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án trong việc bắt, tạm giam thì thẩm quyền giải quyết do Chánh án Tòa án trên một cấp xem xét, giải quyết.
- Thứ hai, nhằm đảm bảo tính cụ thể, tránh lạm dụng, BLTTHS 2015 quy định thời hạn Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại đối với lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh và quyết định đó phải được giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại thay cho quy định có tính định tính của BLTTHS 2003 là “giải quyết ngay”. Đồng thời bổ sung quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, các cơ quan, người có thẩm quyền phải chuyển cho Viện kiểm sát các khiếu nại này.
Như vậy, những sửa đổi, bổ sung của BLTTHS 2015 về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đã quán triệt và cụ thể hóa một cách hợp lý nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực vào hoạt động tố tụng hình sự, phân định hợp lý hơn thẩm quyền giữa các cơ quan, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết khiếu nại, phù hợp với các đạo luật tổ chức của các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết vụ án hình sự nói chung và giải quyết khiếu nại về tư pháp nói riêng.
Lê Đình Tuấn-VKSND huyện Tân Yên