Quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã được quy định tại các Điều 48, 49, 50 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhưng chưa được đầy đủ. Hiến pháp năm 2013 có những quy định nhằm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã cụ thể hóa về quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tại các Điều 58, 59, 60, 61 của Bộ luật. Do vậy, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự mỗi Kiểm sát viên cần nắm chắc và hiểu rõ, đầy đủ các quyền của người bị buộc tội, đặc biệt là những quyền mới được bổ sung trong BLTTHS 2015, những quy định mới về quyền của người bị buộc tội có thể khái quát như sau:
- Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình.
- Có quyền đưa ra các chứng cứ.
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.
- Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
- Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật.
- Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hò sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của BLTTHS khi có yêu cầu.
- Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý.
- Một số quyền khác theo quy định của pháp luật…
Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của BLTTHS 2015, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Kiểm sát viên cần lưu ý về các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, bao gồm các chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, nhận gửi thư, sách, báo, tài liệu, chăm sóc y tế… Đặc biệt là quyền được gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam.
Điều 22 – Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định:
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
2. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của BLTTHS và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về bào chữa.
Mục đích cao nhất của tố tụng hình sự là phát hiện, xử lý tội phạm và người phạm tội. Song không chấp nhận phát hiện tội phạm bằng mọi giá mà phải tôn trọng con người, bởi lẽ cho đến khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là có tội. Trên cơ sở này, BLTTHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm quyền còn người, quyền công dân. Đây cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của Viện kiểm sát nói chung và của mỗi Kiểm sát viên nói riêng khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự hiện nay./.
Lê Đình Tuấn-VKSND huyện Tân Yên